Có hai điều ám ảnh nhất mà những người từng bị xâm hại đã kể cho chúng tôi nghe thông qua chiến dịch Quyền an toàn. Một là những ký ức ghê tởm đó không bao giờ rời bỏ họ, nó không đơn giản là một vết thương, sẽ khép miệng và hóa sẹo theo thời gian, nó vẫn ở đó, âm ỉ đau hàng chục, thậm chí vài chục năm, mà được nói ra có tác dụng như một liều giảm đau tác dụng ngắn. Hai là, cách những người thân yêu nhất cuộc đời, những người họ tin tưởng để trao gửi bí mật đau đớn này phản ứng với thông tin.
Thật buồn, đa phần đều thờ ơ, không tin hoặc im lặng, khuyên nạn nhân hãy im lặng mà sống tiếp, vì rằng "còn cả cuộc đời phía sau". Nhưng cách phản ứng như mẹ của người phụ nữ sắp kể chuyện cho bạn nghe dưới đây quá dữ dội, và với chị, nó làm nỗi đau xưa cay đắng bội phần.
Tôi đã thực sự muốn kể câu chuyện của chính mình từ rất lâu, hôm nay xin được phép chia sẻ tại đây.
Tôi là mẹ một bé gái 4 tuổi. Mỗi ngày con lớn dần lên là một ngày tôi buồn bã nghĩ tới tuổi thơ mình. Tôi nhìn con tôi, tự hứa với lòng con bé có tôi sẽ là bạn đồng hành của nó suốt cả cuộc đời, và chắc chắn là như thế. Bởi ngày xưa, khi tôi gần 5 tuổi - bằng con bây giờ, tôi đã không được mẹ mình bên cạnh bảo vệ, dù mẹ vẫn nuôi tôi hằng ngày.
Tôi sinh ra ở một miền núi hẻo lánh. Nhà tôi cách nhà ông bà ngoại khoảng 300m, làng trên xóm dưới gần nhau nên mẹ tôi, dù khi ấy chẳng bận bịu gì nhưng vẫn gửi tôi dưới nhà ngoại. Mãi sau này, trí nhớ tôi mơ hồ nhớ lại những ngày dưới ngoại tủi nhục, tôi nước mắt giàn giụa khóc xin mà mẹ vẫn nhất quyết không đón tôi về ở cùng.
Đó là một ký ức ám ảnh tôi đến mức, lớn lên tôi bỗng mang trong mình sự căm ghét mẹ kinh khủng, vì lúc tôi cần nhất, mẹ đã không dang tay giúp đỡ. Viết đến đây, tôi lại rơi nước mắt vì nghẹn ngào, vì đâu mà mối quan hệ giữa tôi và mẹ đến nông nỗi này?
Nhà ông bà ngoại tôi có mười người con, mẹ tôi là chị cả, cứ cách 2, 3 năm lại thêm một cậu hoặc một dì. Bất hạnh thay, cậu ruột tôi, người cậu thứ bảy không thương tôi.
Tôi nhớ, lúc tôi tầm 5 tuổi thì cậu tôi tầm 14, 15 tuổi. Những ngày không đi học, cậu thường rủ tôi ra sau nhà, nơi có giàn phơi quần áo ẩm thấp tối tăm, rủ tôi chơi trò gia đình. Tôi, một đứa bé gái cô đơn không có sự quan tâm của mẹ, tự mày mò chơi đồ hàng, có cậu đến chơi cùng bỗng vui hơn hẳn.
Và cuối buổi chơi, bao giờ cậu cũng rủ tôi nằm xuống cái chiếu. Chuyện gì xảy ra cũng đã xảy ra trên cái chiếu ấy.
Tôi còn quá bé để biết rốt cục là được chơi trò gì mà cần nằm xuống như vậy. Và khi cậu mặc lại quần cho tôi, bao giờ cũng kèm theo câu: "Đừng kể ai biết nhé, bí mật thôi".
Tôi từ không biết gì, quay sang tò mò chơi trò đó cùng cậu, tuy không bao giờ thấy đau hay sợ hãi nhưng trong mơ hồ, tôi biết chuyện đó không tốt, nên cậu mới bảo tôi giữ bí mật, không được kể cho ai. Cũng nhiều lúc tôi không muốn "chơi" trò đó, nhưng cũng lại cậu luôn bắt ép tôi phải chơi.
Buồn bã và tủi thân, nhiều lần tôi cũng khóc đòi về với mẹ, nhưng mẹ chẳng bao giờ cho tôi về, dù mẹ đã từng nhìn thấy chuyện kỳ cục ấy. Cũng chỉ hơn một năm sau, khi tôi lên lớp 1, nhà chuyển ra ngoài phố thì mọi chuyện mới kết thúc. Tôi im lặng hoàn toàn và cố quên đi mọi việc cho đến bây giờ.
Tầm mười năm sau, khi bước vào thời dậy thì, tôi mới tự lục lại khoảng ký ức đen tối đó, biết trò chơi khi xưa là gì. Và tôi càng tủi thân khi nghĩ rằng trinh trắng của mình vậy là mất. Tôi thu mình lại và trở nên xa cách với chính mẹ mình, vì mỗi lần nghĩ lại, tôi càng oán trách mẹ, vì sự thờ ơ của mẹ mà tôi bị thế này.
Đến khi tôi lớn lên thì cậu cũng đi bộ đội. Cậu đi làm nơi xa, rồi lấy vợ sinh con, sống cuộc sống êm ấm bình thường. Mỗi khi gặp tôi, câu chuyện cậu nói không bao giờ đề cập đến việc khi xưa. Có thể hai cậu cháu vốn ngầm hiểu với nhau rằng những chuyện xưa chẳng hay ho gì, nhất là khi tôi lớn, đã hiểu việc xưa nên cần quên hết đi để không làm ảnh hưởng tới hiện tại. Chỉ có mình tôi, mỗi tối nhớ lại, thấy lo sợ cho tương lai của chính mình.
Viết đến đây, tôi thật sự phân vân không biết có nên viết tiếp? Nhưng nếu tôi không kể những biến cố và những sai lầm của bản thân thì mọi người không thể hiểu hết được. Nên, thêm một lần nữa, cho tôi xin phép được chia sẻ thật câu chuyện của mình.
Tôi đi học đại học xa nhà, gặp người yêu đầu tại đó. Lần đầu tiên quan hệ, tôi không có máu trinh, người yêu bất ngờ gặng hỏi. Lúc đó, tôi quá yêu đến mức mù quáng mà thật thà kể ra mình bị chính cậu ruột xâm hại lúc nhỏ. Thế nhưng tôi không ngờ được rằng chỉ vì quá muốn tìm một chỗ dựa tinh thần mà tôi đã nhìn nhầm người. Sau đó khi tôi báo có thai, anh ta phũ phàng rũ bỏ trách nhiệm để mặc tôi tự xử lý. Quá non nớt và lo sợ, tôi tự đi phá thai và im lặng cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống anh ta.
Mẹ tôi không hiểu sao biết chuyện...
Ba năm sau, tôi quen người chồng hiện tại, anh là một người hiền lành, chiều chuộng tôi, nhưng vì những nỗi đau trong quá khứ mà tôi không dám kể cho anh nghe bất cứ điều gì. Tất cả các ký ức đen tối đều gác lại cho đến một ngày.
Hôm ấy, hai mẹ con đang tranh cãi về một chuyện gì đó, mẹ tôi nổi điên chì chiết những lỗi lầm quá khứ của tôi, dùng những lời lẽ thóa mạ xúc phạm nhất dành cho con mình: "Mày mất dạy, mày đĩ điếm, mày chỉ là một con đĩ không hơn không kém...".
Quá sốc, tôi nghĩ chắc chẳng có gì sốc bằng bị chính mẹ ruột mình chửi bới như vậy. Tôi gào lên trong nước mắt: "Mẹ có biết vì sao con như thế này không? Vì sao con không thể gần mẹ, vì sao con không thể thân với mẹ được, vì sao con căm hận mẹ? Vì sao ư? Vì khi con cần mẹ nhất, mẹ ở đâu? Mẹ có biết con đã bị xâm hại không? Bị chính em trai của mẹ hãm hiếp không?".
Mẹ tôi khựng lại vài giây rồi tiếp tục bùng nổ theo một cách mà tôi xin lỗi các bạn khi phải dùng từ này, vô-nhân-đạo-nhất.
Bà không cần biết con gái đã đau đớn tủi nhục ra sao, tàn nhẫn đâm tôi thêm một nhát dao sắc lẹm bằng lời nói: "Ai? Mày nói xem ai đã làm mày? Mày còn vu oan giá họa cho em tao. Khi mày còn nhỏ, phải chăng mày đã có cái máu đĩ điếm trong người, nên mày mới bị hãm hiếp như vậy? Mày đĩ điếm nên mày mới phải đi phá thai, mày không thấy nhục nhã sao?".
Tôi quỳ xuống lạy mẹ, van xin: "Con xin mẹ, con lạy mẹ, con khi đó chỉ là một đứa bé không hơn không kém, biết gì đâu? Giờ lớn lên con mới biết khi xưa bị hãm hiếp. Sao mẹ nỡ lòng nói con như vậy? Còn chuyện kia, con yêu người ta thật lòng, không biết được trong lòng người ta sao mà lường. Đến khi có thai, con đã đau đớn tự đi phá, mẹ không quan tâm, không tha thứ thì cũng nên hiểu con đã đau đớn nhường nào. Huống chi con còn không phạm pháp gì, con không giết người, con không đáng bị mẹ đối xử như vậy. Người ta phạm pháp, xã hội và pháp luật còn khoan hồng, nhưng mẹ, mẹ nhìn lại mình xem, mẹ quá độc ác với chính con ruột mình...".
Tôi rời đi ngay lúc đó. Tôi không biết diễn tả cảm xúc giây phút ấy của mình là như thế nào. Tôi chỉ muốn chết, tôi nhục nhã, tôi xấu hổ, tôi muốn biến mất khỏi cuộc sống này, tôi hận mẹ tôi vì đến chút tình nghĩa ruột thịt và sự cảm thông giữa đàn bà với nhau mà mẹ cũng không thèm bố thí cho tôi. Tôi nhìn con mình, con bé nhỏ trong vòng tay, mắt ngơ ngác nhìn mẹ và bà cãi nhau. Tôi xốc lại tinh thần, nghĩ mọi cách thay đổi mối quan hệ giữa tôi và con, hy vọng, con sẽ không phải chịu những gì tôi đã từng.
Bao năm qua, tôi không thể ngừng nghĩ đến những gì xảy ra trong quá khứ, từ việc bị hãm hiếp rồi khi lớn lên, tuổi dậy thì và tuổi thanh xuân, tôi lơ ngơ giữa đường đời và đường tình, không được chỉ dạy bảo ban cẩn thận để đến khi va vấp yêu đương cũng không biết cách tự bảo vệ bản thân mình, tự mình rẻ rúng rồi tự chuốc bao đau khổ. Và cho đến bây giờ khi vào tuổi 30, tôi mới thật sự trưởng thành, mới dám đứng lên, đối diện với những tổn thương mà rút ra kinh nghiệm để bảo vệ con gái mình.
Tôi có hai em, đứa kế tôi là em gái, đứa út là con trai. Con tôi càng lớn càng quấn cậu ruột. Con bé kém cậu nó hơn mười tuổi, tôi lại sợ…
Để ngăn chặn những điều xấu xảy ra với con, tôi hay nói chuyện với em trai mình về tình dục, tình yêu, khi nào tình dục được ủng hộ, khi nào tình dục bị lên án, hành động thân mật nào là thể hiện yêu thương của gia đình với nhau, giữa bạn bè với nhau; còn đâu là hành vi xâm hại, hành vi xâm hại là gì, nó gây kết quả gì; và làm thế nào để bảo vệ những người phụ nữ bên cạnh mình, như mẹ, chị em gái, cháu gái, vợ con của mình, bạn bè… Thật may mắn là thằng bé rất tiếp thu và vô cùng cẩn thận trong việc chơi với cháu. Tôi cảm thấy an tâm phần nào.
Còn với con gái, tôi dạy con bé tránh xa người lạ, con đi đâu cũng có tôi bên cạnh, tôi luôn để ý mọi phản ứng của con với mọi người, sự việc, hiện tượng xung quanh. Và điều quan trọng nhất của một người mẹ có thể làm, tôi luôn cố gắng thể hiện cho con hiểu rằng, dù có bất cứ điều gì thì mẹ vẫn luôn ở bên bảo vệ yêu thương vô điều kiện. Từ đó, tôi tin, con sẽ không hề có khoảng cách với tôi và sẽ thoải mái thể hiện mọi điều dù buồn hay vui.
Tôi đã không có được may mắn đó, nên tôi càng cố gắng để cho con được những điều tốt nhất.
Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!
Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là thỏa hiệp với tội ác.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email [email protected] và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.