Quyết liệt triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm mua bán người
Tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp do lợi nhuận khổng lồ, cao thứ ba sau buôn ma túy và vũ khí. Không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới cũng là nạn nhân. Phương thức, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, có tổ chức, đặc biệt là trên không gian mạng.
Liên tiếp các đường dây mua bán người đã bị triệt phá nhưng những cạm bẫy mua bán người vẫn bủa vây đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa, từ cơ sở của cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan nước ngoài trong công tác đấu tranh, phòng chống mua bán người.
Tuyến biên giới Campuchia, phức tạp nhất về tình hình mua bán người trong 2 năm qua. Mới đây nhất biên phòng tỉnh Long An đã giải cứu 1 nạn nhân 18 tuổi trên đường bị nhóm đối tượng bán sang Campuchia để làm ở 1 công ty đánh bạc với giá 1.300 USD.
Trước đó vào giữa tháng 8 năm ngoái, 42 người Việt Nam đã bơi qua sông, khu vực tỉnh An Giang giáp Campuchia bỏ trốn về nước. Theo điều tra, họ đều đi theo các đường dây "việc nhẹ lương cao", xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia làm việc tại casino do người nước ngoài quản lý. Liên tiếp nhiều đường dây với nhiều đối tượng bị bắt giữ.
42 người Việt Nam đã bơi qua sông, khu vực tỉnh An Giang giáp Campuchia bỏ trốn về nước
Lợi dụng những con đường qua biên giới dễ dàng, những đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép được thực hiện. Nhiều người sau khi sang bên kia biên giới bị bán vào các điểm lao động trái phép hoặc trở thành đối tượng trong các đường dây lừa đảo xuyên biên giới.
Chủ động nắm tình hình ngoại biên, tại cơ sở và trên không gian mạng; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp và các đường dây, băng nhóm mua bán người để đấu tranh ngăn chặn được Bộ Công an triển khai quyết liệt.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới.
Tích cực tiến hành giải cứu số nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán mà chưa được giải cứu, đồng thời tích cực tổ chức truy tìm và bắt 56 đối tượng đang trốn truy nã về tội mua bán người.
Về mục đích phạm tội, theo Bộ Công an, đó là cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân và nhiều mục đích vô nhân đạo khác như bắt người khuyết tật ăn xin, hoặc trở thành người thử nghiệm các loại hóa chất, thuốc, vũ khí… ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Gần 8.000 nạn nhân mua bán người được tiếp nhận, hỗ trợ
Một dẫn chứng đáng chú ý cơ cấu nạn nhân đang có sự thay đổi. Tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh, từ 10% lên đến tận trên 40%.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh
Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao thứ 4 chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Chính vì thế, mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào "Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu".
Việt Nam là quốc gia có đường biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối mở, tiểu ngạch, lối tắt qua lại. Vị trí địa lý đó là một trong những nguyên nhân gia tăng tội phạm mua bán người Việt Nam.
Việt Nam đã có những tiến bộ tích cực trong việc phòng chống tội phạm buôn bán người. Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đến ngày 15/2/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.744 vụ với hơn 3.000 bị can; tiếp nhận, hỗ trợ gần 8.000 nạn nhân. 100% các nạn nhân khi được giải cứu, tiếp nhận, xác minh đều được các lực lượng chức năng hỗ trợ ban đầu và tiến hành các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Đầu tháng 7 vừa vừa qua, 1 đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia với tính chất phức tạp vừa vừa bị Bộ đội Biên Phòng tỉnh Long An phối hợp với đoàn Đặc nhiệm miền Nam và Công an tỉnh Long An triệt phá. 1 nạn nhân được giải cứu thành công ngay trước khi bị đưa qua biên giới. Hàng chục đối tượng bị bắt giữ, nhờ vậy ngăn chặn kịp thời 1 đường dây mua bán người trải rộng ở nhiều tỉnh, thành phố.
Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ
Liên tiếp gần đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và tỉnh An Giang tiếp nhận hàng trăm công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, được các lực lượng nước này giải cứu và bàn giao. Công dân ngay sau khi được tiếp nhận đã hỗ trợ ban đầu về nơi ăn ở, chăm sóc sức khỏe, giải quyết thủ tục giấy tờ và xác minh nhân thân, tạo điều kiện thuận lợi để trở về với gia đình.
Từ giữa năm ngoái, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận và trợ giúp cho hàng trăm nạn nhân là lao động Việt Nam bị lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài "việc nhẹ lương cao" và bị cưỡng bức làm việc trong các cơ sở, tổ chức lừa đảo do người nước ngoài làm chủ.
Nâng cao nhận thức, phòng tránh cạm bẫy của tội phạm mua bán người
Qúa trình hỗ trợ cho các nạn nhân mua bán người đã luôn được quan tâm và triển khai tích cực. Nhưng chắc chắn là còn gặp phải không ít thách thức. Một phần là bởi nạn nhân mà các đối tượng buôn người hướng đến thường là đồng bào dân tộc thiểu số, do hoàn cảnh kinh tế và nhận thức của nhiều người còn hạn chế.
Một bữa cơm đạm bạc với gia đình từng là ước mơ của người phụ nữ Khơ mú ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Suốt 10 năm trời bị đày đọa nơi xứ người, chị không nghĩ rằng mình lại có thể được yêu thương như bây giờ. Đây cũng là thực trạng của nhiều nạn nhân thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, khi nhận thức còn hạn chế và bị cái nghèo bủa vây.
Dù được quay trở về Việt Nam, nạn nhân mua bán người gặp nhiều vấn đề tâm lý
Kỳ Sơn - huyện biên giới của tỉnh Nghệ An, địa bàn từng được coi là "điểm nóng" của hoạt động mua bán người bởi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng, những vết thương lòng mà nạn nhân của tội phạm buôn bán người phải chịu đựng không dễ dàng gì vượt qua được. Dù được quay trở về Việt Nam, chị gặp nhiều vấn đề tâm lý và không thể hàn gắn tình cảm với người thân như trước.
Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Do vậy, bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm này.
Trong báo cáo năm 2023 về tình hình mua, bán người trên thế giới (TIP), Bộ Ngoại giao Mỹ nâng Việt Nam từ Nhóm 3 (nhóm không tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu) lên Nhóm 2.
Việt Nam đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân như việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, hiện đang tiếp tục sửa đổi, cùng với nhiều Bộ luật và các Luật khác tạo cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ và thực hiện chế độ, chính sách ngay từ đầu đối với nạn nhân; hỗ trợ các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ án mua bán người.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của chính người dân để phòng tránh cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện và bình luận là Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.