Tôi quyết định bán vàng ở vùng 120 triệu đồng/lượng để đầu tư chứng khoán - Ảnh 1.

Giữa tháng 4/2025, không khí tại các tiệm vàng ở toàn quốc sôi động hơn bao giờ hết. Tin tức giá vàng trong nước vượt 120 triệu đồng/lượng lan nhanh như cơn sốt. Trên các diễn đàn tài chính, từ mạng xã hội đến quán cà phê, người ta râm ran bàn tán: "Liệu vàng có lên nữa không?" hay "Bán bây giờ hay chờ thêm?". Bản thân tôi đã gắn bó với đầu tư vàng suốt 7 năm qua cũng không nằm ngoài vòng xoáy câu hỏi đó.

Tôi bắt đầu mua vàng từ cuối năm 2018, khi giá vàng còn loanh quanh mức 36 triệu đồng/lượng. Thời điểm ấy, một người nhân viên văn phòng như tôi lựa chọn vàng như một kênh đầu tư trú ẩn an toàn và dài hạn, đặc biệt bối cảnh khi kinh tế toàn cầu chao đảo vì các cuộc xung đột thương mại. Mỗi lần giá vàng điều chỉnh, tôi lại mua vào tích lũy dần và xem đó như cách bảo toàn tài sản trước lạm phát. Đến năm 2023, khi giá vàng vượt 80 triệu đồng/lượng, tôi thấy khoản đầu tư của mình đã tăng giá trị gấp đôi. Nhưng phải đến đầu năm 2025, khi con số 120 triệu đồng/lượng xuất hiện trên bảng giá tại các tiệm vàng, tôi mới thực sự đối diện với suy nghĩ "Mình nên làm gì với số vàng này?".

Câu hỏi này càng trở nên cấp bách khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy biến động. Thị trường bất ngờ có 4 phiên rơi sâu hơn 200 điểm trước khi hồi phục "gỡ" lại 125 điểm giữa những biến động mạnh trên toàn cầu. Giữa làn sóng bán ra ồ ạt đó, tôi lại nhận thấy những tín hiệu tích cực, vô hình chung có thể trở thành những cơ hội đầu tư dài hạn.

Thực tế, nhiều thị trường chứng khoán của các nước cũng bị ảnh hưởng trong cơn bão bán tháo vừa qua. Thậm chí mức độ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhẹ hơn so với các thị trường khác như Thái Lan hay thậm chí Mỹ. Đặc biệt, các động lực tăng trưởng nội tại có thể là những điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Hàng loạt chính sách hỗ trợ tích cực đã được tung ra, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố bảo đảm cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2025. Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường đang cận kề, Việt Nam cũng sẽ thu hút sự chú ý từ các dòng tiền đầu toàn cầu nhằm "đón sóng" nâng hạng.

Mặt khác, nhìn theo hướng tích cực, những bất ổn toàn cầu cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Quyết định táo bạo: Bán vàng, ôm chứng

Tôi không phải người thích mạo hiểm, nhưng dữ liệu thị trường khiến tôi tin rằng đây là thời điểm hợp lý để hành động. Nghĩ là làm, tôi dành hàng đêm đọc các báo cáo tài chính, theo dõi tin tức kinh tế đồng thời tham gia các nhóm đầu tư trên mạng xã hội.

Sau khi tham khảo ý kiến, tôi quyết định bán toàn bộ số vàng tích lũy được và thu về khoản tiền vốn hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này được tôi phân bổ cẩn thận vào danh mục chứng khoán gồm 50% mua cổ phiếu Bluechips thuộc nhóm VN30 được đánh giá tiềm năng, nằm trong những ngành ít bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu và có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng trong vài năm tới; 20% vào quỹ ETF để đa dạng hóa. Phần vốn còn lại tôi để nằm chờ trong tài khoản để sẵn sàng cho các quyết định đầu tư sau này.

Tôi cũng đặt nguyên tắc không đầu tư quá 20% vốn vào một cổ phiếu và sử dụng lệnh dừng lỗ để bảo vệ tài sản. Tôi cũng học cách không chạy theo đám đông, thay vào đó tập trung vào giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Mỗi bước đi đều được tính toán kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp khi chính thức "bỏ vàng, ôm chứng". Chỉ trong tuần đầu tiên, danh mục của tôi đã trải qua vài lần "xanh đỏ" chóng mặt khiến tôi nhận ra đầu tư chứng khoán không chỉ cần kiến thức mà còn đòi hỏi tâm lý thép. Quan trọng hơn, tôi cảm nhận được sự trưởng thành trong tư duy đầu tư. Từ một người chỉ biết "mua vàng cất két", tôi đã học cách phân tích thị trường, đánh giá doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro để theo đuổi cơ hội. Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều thử thách phía trước, nhưng tôi tin rằng với kiến thức và kỷ luật, tôi có thể tiếp tục tiến xa.