"Tôi thà ăn Tết xa nhà cô đơn còn hơn về quê để hầu hạ nhà chồng" (P2)
Tôi thà đi hơn 100km dưới trời lạnh giá để đến ăn Tết với những bạn sinh viên xa lạ còn hơn trở về nhà để gánh chịu những nỗi mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần.
Về nhà đúng dịp Tết, tất nhiên tôi sẽ phải đảm bảo trách nhiệm làm dâu làm con, chuẩn bị nấu nướng Tết từ trước, cho đến về quê chồng, mua theo cả đống quà cáp, chuẩn bị tiền mừng tuổi cho hết lượt nội ngoại. Mỗi cái Tết trôi qua, lại khoảng 1 nghìn USD bay khỏi túi của gia đình (mà chủ yếu là tôi).
Sự khó chịu đặc biệt tăng cao khi mà đến thăm nhà họ hàng, tôi lại bị ca thán bài: Tại sao không tranh thủ vừa học tiến sỹ vừa đẻ con, rồi rằng nhà anh chỉ có mình anh là con trai nên tôi phải đẻ sớm thêm đứa nữa và phải là con trai, nếu không đẻ thì không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi cũng thừa hiểu cái "chuyện gì" đó ở đây là việc mẹ con tôi có thể sẽ bị đuổi ra khỏi nhà vì không đẻ được con trai nối dõi cho nhà anh.
Và không chỉ có một người nói, tôi bị đẩy vào giữa toàn các bác chồng, cô chồng mắng mỏ liên tiếp chỉ toàn những câu với nội dung giống nhau. Tôi cắm mặt ngồi nghe, tôi liếc nhìn sang chồng tôi, vì với vai trò làm chồng, chắc chắn anh hiểu tại sao tôi chưa thể đẻ con lúc này, lẽ ra anh có thể nói vài câu bênh vực cho tôi, nhưng anh im lặng từ đầu đến cuối. Tôi cảm thấy mình cô đơn, chới với và buồn, người tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ nói một câu nào đó bảo vệ tôi và động viên cho tôi đã không nói gì.
Người tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ nói một câu nào đó bảo vệ tôi và động viên cho tôi đã không nói gì.(Ảnh minh họa)
Không chỉ trước mặt họ hàng, đến khi về nhà tôi lại bị bố mẹ chồng mắng nhiếc thêm vài lần nữa vì việc đi học tiến sỹ để làm gì, rồi tôi cần phải đẻ thêm con càng sớm càng tốt và đặc biệt cần con trai. Sau cái Tết về nước thăm nhà đầu tiên, thực sự tôi cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn vui vẻ.
Tết xa nhà thứ 2, tôi cũng vẫn đặt vé về nước và kịch bản tương tự lại tái diễn. Lại quần quật lo Tết cho nhà chồng, lại đi chào hỏi ngần ấy khuôn mặt và tất nhiên lại nghe lại ngần ấy câu chuyện.
Tôi có lí nhí nói lại với các bác rằng bây giờ tài chính của tôi đang khó khăn nên tôi chưa thể đẻ con được, y như rằng tôi lại bị ăn chửi thêm một trận khác về việc "Trời sinh voi, trời sinh cỏ", cứ đẻ đi rồi nuôi kiểu gì chẳng được.
Và rồi cuộc chửi rủa lại trở nên cao trào hơn khi có đến cả chị họ chồng, bác chồng, cô chồng cùng xúm vào nói tôi không ngớt lời. Họ bắt tôi phải hứa trong năm nay sẽ phải có bầu rồi đẻ luôn, học tiến sỹ được đến đâu thì học. Chồng tôi vẫn im lặng. Tôi thấy mình không có nơi nào để bám víu.
Trong lúc tâm lý bị dồn nén đến cực độ vì những màn mắng chửi, tôi đã cãi lại bằng một giọng cực kỳ bình tĩnh: "Thưa các bác các cô, cháu muốn nói rằng cháu là người có trách nhiệm với đứa con mà mình muốn đẻ ra. Nuôi con thành công nhân lao động phổ thông cũng là nuôi con, mà nuôi con thành nhạc sĩ tài năng, thành doanh nhân thành đạt cũng là nuôi con. Đứa con nào cũng là đứa con nhưng chất lượng nuôi sẽ tạo nên những con người khác nhau, nên chờ cháu thêm thời gian nữa cháu sẽ sinh con."
Ai cũng biết chắc chắn họ không chấp nhận lý lẽ của tôi, họ càng cao giọng hơn bảo tôi rằng dâu con không được phép cãi người lớn, người lớn bảo thì phải làm và phải nói rõ về việc khi nào định có thêm đứa con nữa, đặc biệt phải là con trai.
Rất nhiều người dồn tôi: "Trả lời đi, trả lời ngay khi nào có con, khi nào, không thể cứ im lặng như thế được." Tôi đã suýt khóc nhưng đã kiềm chế để không khóc, tôi nói lại trong giận dữ: "Tất cả các cô bác ở đây có ý tốt với cháu, cháu biết và thừa nhận điều đó. Nhưng việc đẻ con khi nào và đẻ con trai hay con gái còn tùy thuộc rất nhiều điều kiện và cháu muốn rằng điều đó sẽ thuộc phạm vi của gia đình cháu bàn bạc và quyết định chứ không cần đến các cô bác nói nhiều đến vậy. Cháu nghĩ rằng câu chuyện nên dừng lại ở đây, nếu không cháu sẽ không bao giờ đến nơi này nữa." Và tôi đứng lên đi về thẳng, chồng con và bố mẹ chồng tôi về sau.
Từng đi ra nước ngoài nhiều lần và làm việc với người nước ngoài, quả thực tôi vô cùng khó chịu với cái thói thích can thiệp vào đời tư của người khác như họ hàng nhà chồng vẫn làm. Hình như không ai biết rằng chồng tôi đi làm không đưa tiền cho tôi, không ai biết rằng tôi đang nợ ngân hàng ngập đầu, tiền làm ra bao nhiêu đang dồn vào đi trả nợ, rồi đóng học chính khóa, đóng học ngoại khóa cho con.
Liệu có nên đi cùng người đó đến hết cuộc đời hay không? (Ảnh minh họa)
Không ai hỏi tôi những câu hỏi đó, không ai cần quan tâm rằng tâm tư suy nghĩ của tôi đang gặp rắc rối ở đâu mà tất cả những cái họ quan tâm chỉ là đẻ và đẻ như một cái máy đẻ cho phù hợp với quan điểm của nhà họ rằng phải có hai con và phải có con trai. Vậy những người chỉ có một con trên đời này hoặc thậm chí có cặp đôi không có con, họ không hạnh phúc sao?
Và ngay cả người mà tôi tin rằng ít nhất sẽ nói đỡ vài lời cho tôi, đã im lặng từ đầu đến cuối. Một người đàn ông đẩy mặc cho vợ đối chọi với hết thảy khó khăn của cuộc đời và rồi lại để yên cho người khác làm vợ mình tổn thương và chỉ im lặng, liệu có nên đi cùng người đó đến hết cuộc đời hay không? Câu hỏi đó tôi chưa trả lời được.
Vì thế nên Tết này, tôi đã quyết định không về nước nữa các bạn ạ. Tôi đi cách thành phố tôi học hơn 100 cây số dưới trời giá lạnh của Hàn Quốc tháng 1 để đến khu ký túc của một trường Hàn Quốc có nhiều người Việt Nam, ăn Tết cùng các bạn sinh viên dù tôi nhớ nhà đến quay quắt.
Việc nhớ nhà không tránh khỏi, nhưng ăn Tết xa nhà cũng các bạn sinh viên như thế này, tôi tự nhiên thấy vô cùng thanh thản bởi không những không phải sùng sục lên lo Tết cho nhà chồng, rồi nấu ăn hết bữa này bữa khác mà quan trọng nhất những nỗi bực dọc mà người khác gây ra cho tôi về việc phải đẻ con, sinh con không còn nữa.