Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản ngày 29/12 dẫn nguồn thạo tin cho biết, các gia đình đồng ý chuyển khỏi 23 quận trung tâm Tokyo sẽ được nhận hỗ trợ để di chuyển tới nơi khác sinh sống và làm việc.
Cụ thể, các gia đình ở Nhật Bản sẽ được cung cấp tới 1 triệu yên cho mỗi trẻ em (thành viên dưới 18 tuổi). Số tiền này cao hơn đáng kể so với mức hỗ trợ 300.000 yên mỗi trẻ em được áp dụng trước đó vào năm 2019.
Chính phủ nước này đang lo ngại việc dân số và nền kinh tế Nhật Bản ngày càng tập trung ở Tokyo, làm tăng nguy cơ khi xảy ra động đất trong thành phố. Năm 2019, trụ sở xúc tiến nghiên cứu động đất của Nhật Bản cho biết có 47% khả năng xảy ra một trận động đất mạnh tấn công Tokyo trong 30 năm tới. Do đó, việc tăng tiền hỗ trợ gấp 3 lần được xem là nỗ lực rất lớn trong việc giảm tình trạng quá tải ở Thủ đô.
Quy tắc mới có hiệu lực từ tháng 4/2023. Hiện có khoảng 1.300 thành phố đã đăng ký tiếp đón người Tokyo di cư trong năm nay.
Để có thể nhận tiền, các gia đình sẽ phải rời vùng đô thị, đến các vùng lân cận hoặc khu vực miền núi ở Tokyo. Họ sẽ phải định cư tại đó trong ít nhất 5 năm và phải hoàn lại tiền nếu không đáp ứng yêu cầu này.
Đặc biệt, nếu một gia đình có hai con dưới 18 tuổi rời Tokyo và mở một doanh nghiệp tại nơi cư trú mới, họ sẽ nhận hỗ trợ tài chính lên tới 5 triệu yên.
Được biết, trong số 125 triệu người sống ở nước Nhật, có khoảng 35 triệu người, tương đương 28%, hiện cư trú ở Tokyo và các quận xung quanh Saitama, Chiba và Kanagawa, khiến vị trí này trở thành một trong những vùng đô thị lớn nhất thế giới.
Nhiều thị trấn và làng mạc ở nông thôn trở nên hoang sơ, các doanh nghiệp thiếu khách hàng và nhân viên. Ước tính số nhà trống ở Nhật Bản sẽ đạt khoảng 10 triệu căn vào năm 2023.
Bằng cách tăng cường các ưu đãi tài chính, chính phủ mong muốn chính sách này sẽ thành công khi các kế hoạch trước đây đã thất bại. Chỉ có 2.381 người đã nhận lời đề nghị tái định cư kể từ năm 2019.
Một đề xuất khác bị đình trệ vào năm 2011 là phát triển Osaka thành thủ đô thứ hai với biệt danh khó hiểu IRTBBC (Khu nghỉ dưỡng, Du lịch, Kinh doanh và Thành phố dự phòng tích hợp).
Ngoài tiền hỗ trợ về việc di chuyển tới nơi khác sinh sống, chính quyền Nhật Bản còn ra sức giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ liên quan đến sinh nở, chăm sóc con và học phí nhằm thúc đẩy người dân sinh con.
Chẳng hạn, có thể tính đến việc miễn phí hoàn toàn chi phí sinh con, tạo điều kiện tối đa về việc làm đối với phụ nữ sau khi nghỉ sinh và giảm học phí ở cấp đại học.
Hiện nay, tỷ lệ sinh tại Nhật Bản đang giảm với tốc độ đáng báo động khi trong 9 tháng năm 2022, chỉ có gần 600.000 trẻ được sinh ra, thấp hơn 4,9% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu các cuộc khảo sát về dân số hằng năm. Hội đồng ủy quyền của Chính phủ cho biết đây là yếu tố nguy cơ đe dọa làm xói mòn sức mạnh quốc gia.
Tại Tokyo, số trẻ được sinh ra từ tháng Một đến tháng Chín năm 2022 tại Nhật Bản là 599.636 trẻ, bao gồm cả trẻ người nước ngoài, giảm 30.933 trẻ so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ sinh thấp kết hợp với hạn chế nhập cư đã đẩy tuổi trung bình ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cao hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp hóa nào khác. Dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm mạnh vào giữa thế kỷ này, xuống còn khoảng 88 triệu vào năm 2065 (giảm 30% trong 45 năm).
Phó Giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho biết tỷ lệ sinh thấp một phần là dấu hiệu của những tiến bộ mà phụ nữ Nhật Bản đã đạt được trong những năm gần đây. Tỷ lệ phụ nữ tham gia học đại học bắt đầu tăng nhanh vào cuối những năm 1980 và đạt 51% vào năm 2020. Tỷ lệ có việc làm của phụ nữ trẻ cũng tăng lên đáng kể... Bên cạnh đó, tỷ lệ kết hôn giảm ở Nhật Bản cũng là do sự tồn tại dai dẳng của vai trò giới trong gia đình truyền thống, đặt gánh nặng lớn lên vai phụ nữ trong việc quản lý công việc nhà và chăm sóc con cái.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 28/11/2022, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết con số trên cho thấy tỷ lệ sinh tại Nhật Bản đang giảm với tốc độ đáng báo động và chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức để triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện với vấn đề này.
Song, theo Giáo sư Yu Shibata tại Viện Nghiên cứu nhân chủng học và môi trường, thuộc Đại học Tokyo, để cải thiện tình trạng này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và tại Nhật Bản nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình.