Những năm gần đây, Trung Quốc trở thành đất nước sản xuất hàng đầu thế giới về tôm hùm đất. Vì vậy, ngành nuôi tôm hùm đất ở đây cũng trở nên khá phổ biến, dần dần đẩy lên sự bùng nổ sinh sản của những con tôm hùm, kéo theo việc nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, việc nuôi tôm hùm đất ở Trung Quốc không hề đơn giản, nó không phải là con vật mà ai cũng muốn nuôi. Nuôi tôm hùm đất cần phải có môi trường ổn định và phù hợp. Nếu như gặp phải thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi tôm, gây hại cho việc sản xuất.
Có một điều nhiều người không biết, "dịch bệnh tháng 5" được xem là thời điểm khó khăn nhất đối với những người nuôi tôm.
Đây là điều mà họ không bao giờ có thể tránh được. Theo thống kê trong những năm gần đây, tỷ lệ tôm mắc bệnh vào tháng 5 khá cao, đây là tháng có tỷ lệ tôm bệnh tôm chết cao nhất trong năm.
Mỗi năm, vào thời điểm này, sản lượng tôm được tung ra thị trường khá lớn, nhưng đó cũng là tháng đáng sợ nhất đối với mỗi người nông dân nuôi tôm và cả người tiêu dùng.
10 năm trở lại đây, vấn đề này bùng phát nhiều ở các tỉnh như Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, những khu vực sản xuất chính về tôm hùm đất.
Theo phân tích của các chuyên gia, do việc nhân giống của tôm không đồng đều, mật độ cho tôm ăn tăng lên đáng kể, lượng thức ăn cũng ngày càng nhiều khiến môi trường sống của tôm bị ô nhiễm và dẫn đến việc tôm chết hàng loạt.
Trên thực tế, cái chết của tôm hùm đất có liên quan đến khí hậu và nhiệt độ. Và tháng 5 thực sự là thời điểm nguy hiểm khi tôm hùm đất bắt đầu phát bệnh. Sở dĩ người ta gọi "dịch bệnh tháng 5" của tôm hùm đất là vì vào giai đoạn tháng 5 và tháng 6 trong năm, tôm hùm đất sinh sản và phát triển nhiều, cộng thêm việc thời tiết thay đổi bất thường, đặc biệt sau những trận mưa lớn sẽ khiến nhiệt độ không ngừng tăng cao, làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm của nông dân. Tình trạng này thường xuyên xảy ra trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu được khắc phục triệt để.
Khi một con tôm có vấn đề sẽ tạo cơ hội cho các cuộc xâm nhập vi khuẩn khác nhau khiến tôm bị suy giảm thể lực.
Bên cạnh đó, những con tôm đang khỏe mạnh phải sống chung với tôm nhiễm bệnh sẽ khiến môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề. Không những thế, một khi tôm khỏe mạnh ăn tôm bị bệnh, chúng sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn, và đó là lý do tại sao tôm khỏe thành tôm bệnh, mãi vẫn không hết.
Vì vậy, đối với người dân Trung Quốc, tháng 5 là tháng mọi người hạn chế ăn tôm vì những lý do nói trên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng giúp nông dân nuôi trồng thủy sản đưa ra những phương pháp cần thiết để đối phó với "dịch bệnh tháng 5" này. Nhìn chung, nông dân nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc vẫn phải theo dõi sinh lý của tôm hùm và cần hiểu biết hơn về "dịch bệnh tháng 5" cũng như không ngừng tạo ra môi trường sống phù hợp với tôm, chú ý đến chất lượng oxy, cho thức ăn dinh dưỡng để tôm tăng cường thể lực vượt qua tháng 5 một cách an toàn.
(Nguồn: Baidu, QQ)