Đi ăn trưa xong rồi uống cà phê

Phương Anh (26 tuổi, nhân viên văn phòng) đã chuyển sang công ty mới được 6 tháng và có một số thay đổi trong thói quen cuộc sống bao gồm cả chi tiêu. Trước đó, cô bạn thường đưa cơm trưa đi ăn cùng với đồng nghiệp và luôn ngủ trưa tại văn phòng. Tuy nhiên, sau khi sang công ty mới, để hòa nhập với môi trường, cô bạn thường đi ra ngoài ăn trưa và uống cà phê cùng đồng nghiệp. 

“Ngày đầu tiên đi làm, đồng nghiệp rủ mình đi ăn trưa để làm quen. Sau đó, mình mới biết là ở công ty này, mọi người thường ăn ngoài và không có khu vực dành riêng cho ăn uống. Thông thường mỗi lần đi ăn trưa sẽ khoảng 35-40 nghìn, và uống cà phê 40-45 nghìn. Tức là riêng ăn trưa sẽ khoảng 75-95 nghìn chưa kể đến những ngày ăn sang hơn”. 

Phương Anh chia sẻ rằng bởi vì sang công ty mới, mức lương cao hơn nên cho rằng khoản chi tiêu thêm cho ăn trưa cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, trung bình 1 tháng có khoảng 22 ngày công tức là mỗi tháng cô bạn sẽ chi khoảng 1,8-2,2 triệu đi ăn trưa, nhiều hơn số tiền lương tăng khi thay đổi công việc. 

“Mình cũng không để ý là bản thân đã chi ăn trưa nhiều như vậy cho đến khi xem lại bảng chi tiêu hàng tháng. Song, thật ra cũng rất khó để có thể tách rời ra khỏi văn hóa công ty thường xuyên đi ra ngoài vào buổi trưa. Do vậy, hiện tại mình hạn chế đi uống cà phê cùng với mọi người mà chỉ đi ăn trưa rồi về văn phòng nghỉ ngơi. Như vậy cũng giảm được một nửa số tiền, mình vẫn có thể trò chuyện và giữ được mối quan hệ với đồng nghiệp”. 

Tốn cả chục triệu trên hội nhóm bán hàng công ty, lương tăng không đủ ăn trưa với cà phê - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Sắm nhiều đồ từ hội nhóm mua bán của công ty

Hà My (24 tuổi, nhân viên văn phòng) thường xuyên mua đồ trên hội nhóm buôn bán của công ty lên đến 5 nghìn thành viên. Trong đó có nhân viên làm việc trong cùng tòa nhà và những người bán hàng xung quanh đó. 

“Mỗi ngày hội nhóm đó có đến 10-15 bài đăng về bán đồ ăn trưa, nước uống cho đến gom order quần áo đến các thiết bị điện tử. Nhiều nhất mình thấy là bán đồ ăn vặt và đây cũng là khoản mục mình mua nhiều nhất qua hội nhóm của công ty. Chiều nào mình cũng cùng đồng nghiệp đặt nem chua rán hay sinh tố từ các chị bán hàng trên đó”. 

Bên cạnh đồ ăn, cô bạn cũng tham gia vào những lần “gom” mua đồ số lượng lớn cùng mọi người để có giá tốt hơn. Tuy nhiên, đến 90% những lần mua sắm như vậy là do Hà My sợ mất cơ hội mua món đồ nào đó với giá hời chứ không phải do nhu cầu. Ví dụ, có lần mọi người gom mua chảo được giảm giá 50%, cô bạn cũng mua theo. Song, cô bạn đã có đến 5 chiếc chảo chống dính ở nhà, quá nhiều so với nhu cầu của người sống 1 mình. Thậm chí có lần Hà My mua máy làm sữa hạt dù bản thân không uống. 

“Ngoài trừ đặt đồ ăn, mỗi tuần mình đều mua một ít đồ dùng cá nhân và trong nhà trên hội nhóm của công ty. Mỗi lần lướt MXH, những bài đăng này lại hiện lên là mình không kiềm lòng được. Mình có một nỗi sợ là nếu không mua bây giờ sau cần thì phải làm sao. Cho đến bây giờ chắc mình đi chi đến cả chục triệu mua những món đồ trên hội nhóm đó và về chẳng dùng đến nơi”. 

Tốn cả chục triệu trên hội nhóm bán hàng công ty, lương tăng không đủ ăn trưa với cà phê - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Kinh nghiệm sau những lần chi tiêu quá tay

Đối với Phương Anh, nếu không hình thành thói quen luôn ghi chép chi tiêu hàng ngày và xem lại vào cuối tháng, chắc hẳn cô bạn đã không nhận ra bản thân đã tiêu nhiều đến mức nào. Chẳng hạn như việc đi ăn trưa rồi uống cà phê đã khiến cô bạn tiêu tốn một khoản không hề nhỏ. 

Nhiều người cho rằng lập ngân sách, phân chia từng khoản mục đầu tháng sẽ giúp kiểm soát tài chính hơn. Tuy nhiên, Phương Anh cho rằng nếu không theo dõi các khoản chi và nhận ra những điều bất thường trong cách chi tiêu cá nhân, sẽ rất khó để một người điều chỉnh tài chính sao cho phù hợp hơn. Việc nhận ra và đều đặn sửa chữa những sai lầm trong chi tiêu là cách kiểm soát tài chính cá nhân hiệu quả nhất. 

“Khi đi làm văn phòng, mỗi nơi sẽ có những văn hóa khác nhau. Đôi khi cách chi tiêu của mình cũng cần phải thay đổi sao cho phù hợp. Chẳng hạn, nếu cả phòng thường xuyên đi ra ngoài ăn trưa cùng nhau mình cũng rất khó từ chối. Trong trường hợp đó, mình có thể lựa chọn không đi “tăng 2” cà phê và cắt giảm bớt một số khoản chi cho mong muốn khác để ngân sách chung không biến đổi quá nhiều”. 

Mặt khác, là nhân viên marketing, Hà My thường xuyên phải lên MXH để cập nhật xu hướng mới, nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Do vậy, để tránh chi tiêu quá đà, Hà My hiện tại đã đặt chế độ hạn chế xuất hiện trên bảng tin với hội nhóm mua bán của công ty. 

“Mắt không thấy tay không mua. Bên cạnh đó, mình cũng đã dành 2 ngày cuối tuần để sắp xếp lại toàn bộ đồ dùng cá nhân cũng như trong nhà để nhận ra bản thân đã có bao nhiêu món đồ chưa dùng đến. Đây cũng là cách giúp mình kiềm chế mong muốn mua nhiều đồ hơn”.