“Mẹ bạn trai có EQ (trí tuệ cảm xúc thấp) sẽ như thế nào?” - một chủ đề topic đang được chia sẻ trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của netizen. Theo kinh nghiệm từ nhiều cô gái chia sẻ, ngay từ lần đầu ra mắt nhà bạn trai, nếu nhận được 5 câu hỏi, lời khuyên này thì nên “chia tay sớm” để tránh đau khổ. Rời xa cũng là cách để tự bảo vệ bản thân.
Cháu có phước lắm mới quen được con cô. Nó ngoan lắm, đi làm có bao nhiêu tiền là đưa hết cho mẹ giữ.
Một câu nói tưởng là khen con trai, ghi điểm trong mắt bạn gái (có thể là con dâu tương lai) mà nhiều người mẹ vẫn hay sử dụng thực chất lại “phản tác dụng”. Trong bài viết “Chỉ có mẹ chồng có trí tuệ cảm xúc thấp mới làm 3 điều này” chỉ rõ những người phụ nữ có EQ thấp thường thích khoe mẽ, thậm chí có phần tâng bốc con trai, con gái của mình. Hơn nữa, điều này cũng ngầm ý thể hiện việc phụ huynh đánh giá bạn thấp hơn một bậc (hoặc hơn) so với con trai của họ.
“Không sai khi đó là một chàng trai tốt. Tốt hơn bạn thì càng tốt. Nhưng nếu mẹ chồng nói như thế, tức là bà ấy đang không đánh giá cao bạn”, một netizen chia sẻ. Trong trường hợp này, thay vì dành lời khen cho con trai thì mẹ chồng nên dành sự ưu tiên cho bạn gái. Điều này khiến cô gái cảm thấy được tôn trọng và quý mến hơn thay vì cứ chăm chăm khen con trai của mình.
Hơn nữa, một cô gái sẽ có sự e dè, ái ngại nhất định nếu có ý định tiến xa hơn với một chàng trai bị mẹ quản lý quá nhiều, đặc biệt là về vấn đề tiền lương.
Việc trong nhà cô và con dâu đều làm hết, bố con nhà nó không phải đụng tay vào việc gì.
An An cho biết cô đã chia tay người bạn trai quen 1 năm sau khi đến nhà ra mắt. Cô bạn cho biết mẹ bạn trai rất tốt tính. Còn quan tâm cô nên ăn uống đầy đủ và còn dặn dò con trai không được bắt nạt bạn gái. Cho đến bữa ăn. Cô quan sát thấy những người đàn ông trong nhà đều ngồi sofa xem phim hoặc trò chuyện, đến lúc mẹ và chị dâu đang mang bầu mời ra ăn thì mới ra. Ban đầu cô cứ nghĩ vì đang bận tiếp khách nên mới như vậy, song vào bữa ăn, câu nói của mẹ bạn trai khiến cô vỡ mộng ngay lập tức: “Việc trong nhà cô và con dâu đều làm hết, bố con nhà nó không phải đụng tay vào việc gì”.
Cô liền nghĩ đến viễn cảnh tương lại nếu bản thân được gả vào gia đình này thì sẽ như thế nào. Cô thấy hình ảnh mình phải làm hết việc nhà, bạn trai cũng xem việc đó là điều hiển nhiên. Anh chẳng hề quan tâm và có ý định giúp đỡ. Cô chợt nhớ ra trong suốt 1 năm yêu, anh cũng chưa từng nấu ăn, thậm chí là gắp đồ ăn trong bữa ăn cho cô.
Sau khi chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội, nhiều người ủng hộ quyết định của cô nàng. Bởi, hôn nhân là chuyện cả đời, nên chọn người có thể đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau.
Cháu trang điểm hơi đậm nhỉ, cái váy này chắc đắt tiền lắm.
Câu nói thể hiện sự quan tâm theo khía cạnh có phần tiêu cực, thậm chí là soi mói. Thế nên, trên mạng xã hội vẫn thường xuyên có nhiều topic hỏi chuyện: “Có nên trang điểm đậm hay nên mặc trang phục nào khi lần đầu ra mắt nhà bạn trai” được nhiều người quan tâm.
Song, theo QQ, chuyện những người lớn tuổi thường thích con gái trang điểm nhẹ nhàng, ăn mặc kín đáo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những câu “nhắc khéo” về vẻ ngoài ít nhiều khiến cho đối phương cảm thấy mất tự nhiên, thậm chí là khó chịu. “Dù sao, việc giúp để cho các con có cảm giác dễ chịu khi ra mắt gia đình mới là điều nên làm. Việc bản thân có thể chưa thích mà thể hiện điều đó ra ngoài luôn, ngay trước mắt như thế là điều không nên. Thể hiện việc bạn có EQ thấp”, một netizen chia sẻ.
Bác khuyên thật lòng, phụ nữ nên hướng về gia đình.
Một người phụ nữ đã lấy chồng được 1 năm từng chia sẻ top những câu nói của phụ huynh trong buổi gặp mặt đầu tiên mà bạn nên cân nhắc có câu: “Bác khuyên thật lòng, phụ nữ nên hướng về gia đình”. Theo đó, cô cho biết ngay từ buổi ra mắt đầu tiên, mẹ của bạn trai đã khuyên cô sau khi kết hôn nên ở nhà, tập trung chăm sóc con cái. Ban đầu, thấy gia đình bạn trai cũng khá giả, mẹ chồng tâm lý nên đã đồng ý an phận. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đến 1 năm kết hôn, cô đã hối hận. Bởi, mẹ chồng quá quản lý, kiểm soát cô chuyện chi tiêu. Hơn nữa, lúc nào cô cũng bị coi như là kẻ ăn bám trong nhà.
Cháu làm gì, lương tháng bao nhiêu, có tiền tiết kiệm không….?
Không hiếm trường hợp khi lần đầu về nhà người yêu đã nhận được những câu hỏi liên quan đến tiền lương, tiền tiết kiệm, vị trí công việc từ mẹ bạn trai hay cô, dì, chú bác. Nhiều bậc phụ huynh thường cho đây là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm, song điều này lại gây tác dụng hoàn toàn ngược lại.
Nhiều cô gái cho hay họ cảm thấy khó chịu. Thậm chí là không muốn trả lời những câu hỏi này, bởi nó quá riêng tư. Thậm chí là khi đã quá thân thiết, hoặc ngay với cả bố mẹ hay anh chị em ruột cũng không muốn trả lời.