Kazuya Hamaguchi sinh năm 1979, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Tokyo, là cựu cố vấn của Accenture - một trong những công ty tư vấn quản lý lớn nhất thế giới. Anh là tác giả của cuốn sách “Tôi chỉ dùng 7 năm để đạt được tự do tài chính” và sở hữu một blog tài chính khá được ưa thích.

Kazuya Hamaguchi tốt nghiệp ở tuổi 24. Vì dựa vào khoản vay sinh viên để học từ khi còn học cấp 3, do đó khi bước chân ra ngoài xã hội anh phải gánh trên vai khoản nợ 4,86 triệu yên (khoảng 1 tỷ đồng).

Sau khi kết hôn, anh cùng vợ bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm tiền trả nợ và dành cho việc nghỉ hưu. Chỉ sau 7 năm từ khi ra trường, Kazuya Hamaguchi không những đã trả hết nợ mà còn tích lũy được khối tài sản 70 triệu yên (khoảng 14,9 tỷ đồng).

Kazuya Hamaguchi nói rằng không ít người rơi vào cảnh làm việc rất chăm chỉ nhưng cuối cùng lại không thấy tiền đâu. Chính bản thân anh cũng từng trải qua điều đó. Bên cạnh việc đầu tư, anh đã đưa ra 3 vấn đề then chốt, nếu bạn thực hiện tốt thì quá trình tiết kiệm và tích lũy tiền sẽ hiệu quả hơn rõ rệt.

1. Đặt mục tiêu cụ thể

Tốt nghiệp với khoản nợ 1 tỷ đồng, sau 7 năm người đàn ông trả hết nợ và có 15 tỷ đồng trong tay, chỉ với 3 "bí quyết" ai cũng làm được - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khi bạn không có một mục tiêu cụ thể để tích lũy tiền bạc, bạn sẽ không có động lực cũng như hào hứng để làm điều đó.

Kazuya Hamaguchi nói rằng mục tiêu tiết kiệm tiền đầu tiên của anh là trả nợ khoản vay sinh viên. Sau kết hôn, vợ anh có một mong ước là được nghỉ hưu sớm và đến sống ở Okinawa. Hai người đã bỏ thời gian đến thăm địa điểm này vào một kỳ nghỉ, cùng nhau thảo luận về kế hoạch sẽ đến sống ở đó sau khi đủ tiền nghỉ hưu. Vậy là vợ chồng anh đã có ước mơ chung và một mục tiêu rất cụ thể.

Bạn hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho mình, ví dụ như mua nhà, mua xe hoặc có tài khoản tiết kiệm trị giá bao nhiêu tiền. Khi có đích đến cụ thể, hành trình tiết kiệm tiền sẽ trở nên thú vị và hào hứng hơn nhiều.

2. Lập những kế hoạch có tính thực tế cao

Lập kế hoạch thì dễ nhưng thực hiện được nó lại khó khăn hơn rất nhiều. Có những kế hoạch theo lý thuyết sẽ mang lại hiệu quả cao, song áp dụng vào thực tế thì không thể thành công.

Ví dụ bạn đặt ra mục tiêu mỗi tháng tiết kiệm 2 triệu đồng, tính ra mỗi ngày cần tiết kiệm khoảng 70 nghìn đồng. Bạn quyết định cắt giảm khoản chi cho cà phê, trà sữa, đồ ăn vặt. Sau một thời gian ngắn thực hiện, bạn cảm thấy rất khó chịu với kế hoạch tiết kiệm này. Bạn suy nghĩ theo kiểu “đã đi làm mệt mỏi mà không thể tự thưởng cho bản thân dù chỉ một chút”. Từ đó cho thấy dự định tiết kiệm này không có tính thực tế cao đối với bạn.

Khi đưa ra các phương án tiết kiệm, bạn hãy xét đến tính khả thi của nó đối với chính bản thân mình. Ví dụ một cặp vợ chồng mới cưới đặt ra mục tiêu mua được căn hộ riêng. Họ quyết định tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm những bữa ăn bên ngoài, thay vào đó họ sẽ đi xem các căn hộ và dạo quanh vài cửa hàng bán đồ nội thất. Qua thời gian, họ vừa tiết kiệm được tiền ăn ngoài vừa tích lũy được nhiều kiến thức về nhà ở, rất hữu dụng cho việc mua nhà sau này. Họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái với kế hoạch tiết kiệm ấy, nghĩa là phương án này có tính thực tế cao đối với họ.

3. Kế hoạch luôn có sự cải tiến

Tốt nghiệp với khoản nợ 1 tỷ đồng, sau 7 năm người đàn ông trả hết nợ và có 15 tỷ đồng trong tay, chỉ với 3 "bí quyết" ai cũng làm được - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nếu kế hoạch kéo dài trong vài năm thì chắc chắn không thể tránh được bạn phải cải tiến chúng, cho phù hợp với hoàn cảnh.

Ví dụ bạn lập kế hoạch không dùng điều hòa để tiết kiệm tiền điện vào mùa hè, quả nhiên mỗi tháng bạn bớt được không ít tiền điện. Bạn hoàn toàn chấp nhận được cuộc sống không cần điều hòa. Vậy nhưng khi từ căn nhà nóng nực ra ngoài, bạn lại dễ dàng bị các loại nước mát lạnh trong cửa hàng thu hút. Không kiềm chế nổi, bạn liền mua một cốc. Vậy là số tiền tiêu tốn cũng chẳng kém tiền điện phải trả cho một chiếc điều hòa là bao.

Bởi vậy kế hoạch không sử dụng điều hòa nên được sửa đổi. Chọn lựa loại điều hòa tiết kiệm điện là giải pháp lý tưởng hơn cho bạn trong trường hợp này, vừa tiết kiệm tiền mà cuộc sống thoải mái hơn nhiều khi không cần chịu cảnh nóng nực nữa.

Theo: money.udn

Tốt nghiệp với khoản nợ 1 tỷ đồng, sau 7 năm người đàn ông trả hết nợ và có 15 tỷ đồng trong tay, chỉ với 3 "bí quyết" ai cũng làm được - Ảnh 3.