Tôi đã đọc những bình luận của độc giả dưới bài viết “Mỗi năm, vợ chồng tôi ai về quê người đó ăn Tết” và thấy hơi buồn khi một số người dùng từ “cặp đôi ích kỷ”; “người vợ vứt đi” khi tác giả chia sẻ rằng vợ chồng họ chia nhau ăn Tết mỗi người một quê. Thậm chí có bạn còn khuyên “bỏ ngay người vợ đó”.
Tết thì ai chẳng muốn sum họp với người ruột thịt, nhất là với con đẻ, bố mẹ đẻ của mình. Ngặt nỗi khi đã lập gia đình, chúng ta còn có bố mẹ chồng, bố mẹ vợ và phải cố gắng cân bằng, hài hòa các mối quan hệ. Nhưng thế nào là hài hòa? Truyền thống phụ hệ định nghĩa hài hòa chính là người phụ nữ phải đặt nhà chồng lên trên hết và biết hy sinh những mong muốn của mình. Họ phải nghĩ đến nguyện vọng được gần con gần cháu của bố mẹ chồng ngày Tết.
Nhưng bố mẹ đẻ của họ cũng muốn được ăn Tết cùng con cháu, và nếu người phụ nữ muốn đáp ứng nhiều một chút sẽ bị coi là ích kỷ, như cách mà một số bạn đọc nói về tác giả bài viết trên.
Nếu nhìn nhận từ cảm xúc, quyền lợi của hai phía, thì sẽ không coi việc ăn Tết nhà nội chính đáng hơn nhà ngoại.
Từ hồi vượt ngưỡng 40 tuổi, vợ chồng tôi ngừng cãi nhau về việc ăn Tết quê nào, mà cứ đều đặn luân phiên mỗi năm một quê. Cả hai đều có bố mẹ già mong con mong cháu, và bản thân đều muốn tận dụng tối đa khoảng thời gian có thể ở cạnh đấng sinh thành. Không ai phân thân được, cũng không muốn gia đình “xẻ đôi” trong ngày Tết nên chúng tôi quyết định như vậy. Năm nào đón năm mới với nhà nội, chúng tôi sẽ thu xếp về nhà ngoại mấy ngày trước hoặc sau Tết và ngược lại.
Đến khi con gái chúng tôi kết hôn, hai vợ chồng nó không mất mười mấy năm cãi cọ như chúng tôi mà thỏa thuận ngay từ đầu mỗi năm ăn Tết một nhà. Có năm, hai đứa chẳng ăn Tết với cả nội lẫn ngoại mà kéo nhau đi du lịch.
Từ cảm nhận của hai thế hệ trong nhà mình, tôi thấy công bằng nhất là mỗi năm ăn Tết một quê.