Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn TP HCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sau thời gian tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 kể từ ngày 13-12, TP HCM ghi nhận 34 trường hợp F0, trong đó có 4 trường hợp là giáo viên, 27 trường hợp là học sinh, 3 trường hợp là nhân viên.
Theo ông Trọng, ngay khi phát hiện F0, các cơ sở giáo dục đã vận hành quy trình xử lý F0 theo các quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Các tình huống này đã nằm trong kịch bản, kế hoạch của nhà trường, mỗi nhà trường đều đã xây dựng các kịch bản ứng phó và triển khai thực hiện khi phát sinh tình huống.
Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM trong ngày đầu trở lại trường. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Trước câu hỏi, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục thực hiện chia tách lớp, giáo viên chia đôi giờ và chạy giữa các lớp giảng dạy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy không? Ông Trịnh Duy Trọng cho biết hiện nay, do cơ sở vật chất một số trường còn hạn chế, để đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch, nhiều trường tổ chức chia đôi lớp học.
Việc chia tách lớp đương nhiên kéo theo nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả giờ dạy. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ưu tiên hàng đầu là phải an toàn, công tác phòng, chống dịch được đặt lên trên nên các trường ưu tiên các biện pháp thích ứng, từng bước khắc phục khó khăn khi tổ chức dạy học trực tiếp.
Từ ngày 13-12, hơn 140.000 học sinh khối lớp 9 và 12 tại TP HCM đã đến trường học tập trực tiếp. Sau 2 tuần thí điểm, từ ngày 27-12, ngành giáo dục sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Căn cứ kết quả học tập trực tiếp sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND TP xem xét và quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3-1-2022.