Ngày 25/10, BS.CKI Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 5 người trong một gia đình bị ngộ độc nhập viện trong tình trạng mệt lả, đại tiện không kiểm soát. Trong đó, bệnh nhân nữ 45 tuổi nhập viện trong tình trạng nặng nhất.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước đó gia đình bệnh nhân có đặt bánh canh ghẹ ở một cửa hàng để ăn trưa và bữa tối dự đám giỗ. Sau đó, cả nhà đều xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy… Tất cả khách mời ăn đám giỗ không ai có dấu hiệu bất thường, chỉ những người ăn món bánh canh ghẹ mới có triệu chứng giống nhau.
BS.CKI Nguyễn Hữu Trí cho biết, cả 5 người đều bị nhiễm trùng, nhiễm độc đường ruột, có thể do độc tố trong thức ăn gây ra. Triệu chứng chung của những người này là đau bụng, tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải.
Trong số 5 người vào viện cấp cứu, bệnh nhân nữ 45 tuổi bị mất nước nhiều nhất và được truyền hai lít dịch. Các bác sĩ phải cho bệnh nhân dùng men tiêu hóa để ổn định đường ruột và nhập viện để theo dõi; 4 người còn lại triệu chứng nhẹ hơn, sau khi được bù dịch, hỗ trợ tiêu hóa đã xuất viện ngay sau đó.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, nhiễm trùng, nhiễm độc đường ruột có nhiều nguyên nhân, trong đó thức ăn là yếu tố nguy cơ. Thức ăn không được chế biến và bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh dễ trở thành nơi ẩn chứa độc tố, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… tấn công vào hệ đường ruột.
Bác sĩ khuyến cáo, người đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân cần nhập viện sớm để được xử lý, đề phòng biến chứng như rối loạn điện giải, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí tử vong. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc điều trị như kháng sinh, thuốc chống nôn ói, thuốc giảm nhu động ruột… nếu không có chỉ định của bác sĩ.