Trước việc dư luận đang hoang mang về vấn đề này, TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy khẳng định, những gì mà mạng xã hội đăng tải không phải là thông tin chính thức từ phía BV, và đó là những thông tin chưa chính xác.
Cụ thể, TS.BS Lê Hoàng Oanh cho biết, thực tế trong ít ngày qua, BV có xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu do một số dịch bệnh bùng phát, trong đó có sốt xuất huyết, BV Chợ Rẫy phải hỗ trợ nguồn tiểu cầu cho các BV tuyến dưới nằm trong khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là nhất thời trong một khoảng thời gian nhất định và đã được kiểm soát.
"Thời điểm bình thường khi không có dịch, BV luôn có sẵn từ 50-70 khối tiểu cầu. Những khi có dịch bệnh xảy ra hoặc các trường hợp tại nạn giao thông hay tai nạn lao động hàng loạt có thể dẫn tới tình trạng thiếu tiểu cầu cục bộ. Điều này là chuyện thường xuyên diễn ra và vẫn được xử lý ổn thoả" – TS.BS Oanh chia sẻ.
Bệnh nhân bị sốc vì sốt xuất huyết cần được truyền tiểu cầu.
Theo BS Oanh, chuyện nhiều người cho rằng tiểu cầu tại BV đang thiếu trầm trọng là không có vì hằng ngày vẫn có nhiều người đến hiến tiểu cầu, dù thực tế việc hiến tiểu cầu chỉ diễn ra tại những địa điểm cố định. Khó khăn lớn nhất của việc hiến tiểu cầu nằm ở chỗ tiểu cầu chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Do đó, BV phải luôn căn nhắc để nguồn tiểu cầu tại BV luôn duy trì trong trạng thái cân bằng động.
Hiện mỗi ngày, BV Chợ Rẫy luôn dự trữ sẵn 50-70 khối tiểu cầu phục vụ bệnh nhân.
"Một khối tiểu cầu chỉ truyền được cho một bệnh nhân và chỉ bảo quản sử dụng tối đa trong 5 ngày. Việc bảo quản tiểu cầu là tương đối đơn giản, trong điều kiện 20-24 độ C và phải lắc liên tục" – BS Oanh cho biết.
Trả lời câu hỏi bệnh SXH ở giai đoạn nào thì cần truyền tiểu cầu, TS.BS Oanh cho rằng cần tham khảo trên xét nghiệm của người bệnh đó, nếu số lượng tiểu cầu dưới 10.000/1ml khối thì bệnh nhân sẽ có chỉ định truyền tiểu cầu để tránh xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá dẫn tới tử vong.
Trong một số trường hợp tiểu cầu dưới 50.000/1ml khối cũng có thể truyền tuỳ theo chỉ định. Tức là, chỉ khi bệnh nhân SXH ở vào giai đoạn nặng (thường từ ngày thứ 3 trở đi) dễ rơi vào giai đoạn sốc và gây xuất huyết thì mới cần phải truyền tiểu cầu.
Cũng theo TS.BS Oanh, hiện nay cả nước mới chỉ có 5 Trung tâm truyền máu lớn đủ điều kiện tiếp nhận tiểu cầu. Cụ thể đó là Trung tâm Truyền máu Huyết học Trung ương, Trung tâm Truyền máu Huyết học Huế, Trung tâm Truyền máu Huyết học Chợ Rẫy, Trung tâm Truyền máu Huyết học Cần Thơ và Trung tâm Truyền máu của BV Truyền máu Huyết học TP.HCM. Riêng Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy phụ trách nguồn tiểu cầu cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, một trong những nơi có trung tâm truyền máu đủ điều kiện tiếp nhận tiểu cầu.
Tuy nhiên dự kiến trong tương lai, khi các BV tuyến dưới bắt đầu ứng dụng những kỹ thuật cao thì nguồn tiểu cầu cần cung ứng sẽ tăng lên đáng kể. Điều này là đáng lo ngại nếu lượng người hiến tiều cầu không tăng.
TS.BS Oanh kêu gọi mọi người cùng chung tay trong việc đảm bảo nguồn tiểu cầu chữa bệnh, bởi điều kiện hiến tiểu cầu là không phức tạp. Một người muốn hiến tiểu cầu cũng chỉ cần có tiêu chuẩn như một người hiến máu bình thường, từ 18-60 tuổi, sức khoẻ tốt. Hiến máu thì cách nhau 3 tháng 1 lần nhưng một người hiến tiểu cầu, chỉ cần 1 tháng là có thể hiến lại được.
Thanh tra Bộ Y tế trong lần làm việc với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát.
"Người hiến tiểu cầu đơn được hỗ trợ 400 ngàn đồng, còn hiến tiểu cầu đôi thì được 700 ngàn đồng cho một lần hiến. Hiện mỗi ngày, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 40 trường hợp hiến tiểu cầu" – TS.BS Oanh cung cấp.
Trong một diễn biến liên quan, trước thực trạng đã có trên 60.000 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết, nhiều trường hợp sốc nặng và 17 người đã tử vong, ngày 24-7, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến để bàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh.
Để phòng ngừa sốt xuất huyết, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng, kêu gọi mọi người cùng chung tay vào cuộc, trong đó quan trọng nhất là diệt muỗi và không tạo môi trường sống lý tưởng cho lăng quăng.
Người dân cần phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách loại trừ môi trường sống của muỗi vằn.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1, mỗi gia đình, mỗi người cần dành mỗi ngày 10-15 phút diệt lăng quăng. Muỗi vằn thường thích sống gần người, đẻ trứng trong lu vại, chỗ nước trong, do đó chúng ta có thể sử dụng những phương pháp dân gian như thả cá bảy màu, dùng hương xua muỗi hay dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để tiêu diệt chúng.
Trước đó khi làm việc tại một số cơ sở y tế và trực tiếp thị sát vùng dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhắc nhở người dân cần phải chủ động phòng bệnh, không để phát sinh những điểm có thể làm nơi lý tưởng chứa bọ gậy như lốp xe, phế thải công trình xây dựng, bình hoa trồng cây hay hũ, lư hương… Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tích cực kiểm tra, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh.