Trước đó, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân đã giải trình trước HĐND TP.HCM về lý do của đề xuất này.
Theo đó, Lê Văn Duyệt là nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ vùng đất Gia Định và Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX
Lê Văn Duyệt (1764-1832) là Võ tướng từ Chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, phò hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng chức Khâm Sai Chưởng Tà quân Doanh Bình Sơn Tướng quân, tước Quận Công.
Ông đã 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành, lần 1 từ năm 1812 đến 1815 (thời vua Gia Long); lần 2 từ năm 1820 đến 1832 (thời vua Minh Mạng).
Quá trình đó, Lê Văn Duyệt là người để ra những quyết sách khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất Gia Định nói riêng, Nam bộ nói chung.
Nổi bật nhất là việc dâng sớ (1819) cho đào kênh Vĩnh Tế phục vụ nhu cầu hành chính, quân sự cũng như phát triển giao thông buôn bán giữa các vùng trong miền biên cương.
Ông đề ra và triển khai thực hiện chính sách đồn điền, đẩy mạnh việc khẩn hoang để phát triển sản xuất nông nghiệp; mở cửa thông thương giúp kinh tế phát triển.
Vì vậy, khi ông mất, nhân dân tôn thờ, xây lăng mộ và coi ông như vị phúc thần. Hàng trăm năm nay, lễ giỗ và lễ hội tại lăng Ông Bà Chiểu được duy trì, dân gian từ các địa phương về dự theo nghi thức thờ thần, tế thần; nhiều người trong và ngoài nước đến chiêm bái.
Bên cạnh đó, việc này cũng phù hợp với quy định về việc tránh trùng tên đường trên cùng một địa bàn quận và tránh những xáo trộn liên quan đến hành chính.
Trên địa bàn quận Bình Thạnh hiện đã có đường Đinh Bộ Lĩnh (tức Đinh Tiên Hoàng); việc đổi tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu thuộc phạm vi quận Bình Thạnh là cần thiết, phù hợp với các tiêu chí về nhân vật lịch sử và phù hợp quy định về việc tránh trùng tên đường trên cùng một địa bàn quận.
Hơn nữa đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu nằm trọn trên 2 phường 1 và 3, quận Bình Thạnh.
Nên việc đổi tên đoạn đường này thành tên Lê Văn Duyệt không gây xáo trộn số nhà và địa giới hành chính, đáp ứng đúng yêu cầu của quy chế hiện hành.
Hơn nữa đoạn đường từ cầu Bông đến lăng Ông Bà Chiểu từng mang tên đường Lê Văn Duyệt từ năm 1955-1975. Việc tái lập tên đường Lê Văn Duyệt không gây ngộ nhận về diện mạo hay nhận thức mới về tên đường phố.
Quan trọng nhất, UBND quận Bình Thạnh và các phường 1, phường 3 đã điều tra thực địa và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sống 2 bên tuyến đường dự kiến đổi thành tên Lê Văn Duyệt.
Kết quả trên thực địa tiếp xúc dân cư và trên văn bản báo cáo đều có sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư.