Nếu bạn đang tìm một địa điểm du lịch ở ngay gần trung tâm TP.HCM vào dịp cuối tuần này, địa đạo Củ Chi là gợi ý không thể bỏ qua. Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo này là công trình quân sự độc đáo thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Với khoảng cách địa lý không quá xa, bạn có thể cùng gia đình đến đây bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô tự lái, taxi, xe buýt hay cano hoặc thuyền. 

“Làng ngầm” kỳ diệu được xây dựng bằng sức người  

Theo thông tin trên trang web chính thức của địa đạo Củ Chi, công trình này bắt đầu được thực hiện vào năm 1948 ở 2 xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Sau đó, việc đào hầm được phát triển rộng ra các xã khác. 

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 1.

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 2.

Từ 1961-1967, người dân các xã huyện Củ Chi đã nối các hầm, đường hầm thành một trục đường chính, gọi là đường “xương sống” rồi đào thêm những địa đạo nhánh thông với đường “xương sống” để tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn. 

Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ như lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên 250km đường hầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. 

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 3.

Mô hình địa đạo Củ Chi

Không chỉ ngoằn ngoèo, địa đạo còn được chia thành các tầng, với chiều sâu từ 3-10m. Bên trong địa đạo được bố trí để sinh hoạt một cách bình thường với các khu bệnh xá, khu bếp Hoàng Cầm, giếng ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho toàn hệ thống địa đạo; khu chứa vũ khí, lương thực, nước uống; khu hội họp; khu nuôi dưỡng thương binh; khu trú ẩn; khu chiếu phim…

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 4.

Bếp Hoàng Cầm trong địa đạo Củ Chi

Từ năm 1968, quân địch liên tục mở các cuộc càn quét ác liệt để đánh phá Củ Chi. Tuy nhiên, hệ thống địa đạo vẫn được củng cố và trở thành điểm tập kết cho các quân đoàn, đơn vị chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào ngày 30/4/1975.

Từ năm 1975 đến nay, do ảnh hưởng và tác động của thiên nhiên và thời gian, một số đoạn địa đạo bị xuống cấp, không còn dấu tích. Hiện chỉ có 2 khu vực là địa đạo Bến Dược và địa đạo Bến Đình được bảo tồn, khai thác, phục vụ khách tham quan. 

Năm 2015, địa điểm này đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện địa đạo Củ Chi đang được Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Vào hồi tháng 7/2023, CNN cũng xếp địa đạo Củ Chi vào danh sách những đường hầm kỳ thú nhất thế giới. 

Loạt hoạt động thú vị tại địa đạo Củ Chi 

Tham quan, khám phá lòng địa đạo

Đến địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được nghe các câu chuyện lịch sử gắn liền với khu di tích này. Đặc biệt, bạn còn được trải nghiệm như một người dân, người lính thời chiến thực sự, sống trong “ngôi làng dưới lòng đất”. Cụ thể, du khách sẽ được chui xuống và di chuyển trong 1 đoạn ngắn của địa đạo. Do đường đi khá bé, không gian tối, chỉ có ánh điện nhá nhem, đây sẽ là thử thách thú vị cho cả du khách trong và ngoài nước. Song nhờ hoạt động này, chúng ta mới hiểu được sự gian khổ và kiên cường của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến.

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 5.

Bắn súng thể thao quốc phòng

Bên cạnh hoạt động này, du khách đến với địa đạo Củ Chi có thể trải nghiệm bắn súng thể thao quốc phòng. Đây là một môn thể thao mang tính quân sự được rất nhiều du khách tham gia. 

Theo đó, bạn sẽ được thử tài thiện xạ của mình tại trường bắn TTQP. Người tham gia có thể chọn cho mình các loại súng thích hợp được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh. Sau khi được hướng dẫn đầy đủ, bạn có thể thử tài bắn súng với các bia hình con thú. 

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 6.

Bắn súng đạn phun sơn 

Đây là trò chơi vận động vừa có tính chất thể thao vừa mang tính quân sự, được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài mục đích thư giãn, hoạt động này còn giúp người chơi phát huy khả năng phán đoán, phối hợp đồng đội, rèn luyện sức khỏe. 

Du khách khi tham gia sẽ thật sự là những chiến sĩ đang chiến đấu trong rừng thiên nhiên. Mỗi người chơi được trang bị đầy đủ mặt nạ, quân phục, áo giáp và vũ khí là súng AR15 hay AK47 (các loại súng ở Địa Đạo Củ Chi hiện đại nhất so với các nơi khác). 

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 7.

Tham gia tour đêm 

Tour lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với những hoạt động như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ, văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân hòa lẫn với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay địch tuần tiễu.

TP.HCM có “ngôi làng dưới lòng đất” không phải ai cũng biết: Dài đến 250km, được báo nước ngoài ca ngợi kỳ thú bậc nhất thế giới - Ảnh 8.

Tái hiện cảnh người dân cấy lúa trong tour đêm ở Địa đạo Củ Chi

Chương trình chia thành hai phần chính. Từ 18h đến 18h50 du khách sẽ được xem sa bàn, phim 3D tái hiện trận càn Cedar Falls năm 1967. Khung giờ 19h30-20h30, du khách sẽ thưởng thức chương trình nghệ thuật chủ đề "Trăng chiến khu", ăn uống tự do tại phiên chợ đêm. Giá vé 399.000 đồng/người.