Chiều tối 19/7, TP.HCM tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Đã có 2.140 F1 được cách ly tại nhà

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong 24 giờ gần nhất, TP.HCM phát hiện thêm có 3.139 ca mắc mới, đa số ở trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.

Đến nay đã có 2.140 F1 được cách ly tại nhà ở 8 quận. Số quận đã triển khai cách ly F1 nhưng chưa báo cáo là 7 quận và 7 quận còn lại chưa triển khai.

24 giờ qua, TP chỉ có 6 ca F0 phát hiện tại các khu công nghiệp.

Có 173/2.100 doanh nghiệp có ca dương tính SARS-CoV-2.

TP.HCM đã có 44 chợ truyền thống mở cửa hoạt động, lý giải nguyên nhân giá gạo và trứng tăng cao - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện về nhà sau thời gian điều trị.

TP.HCM đang có 2 phương án để vừa chống dịch vừa sản xuất là "3 điểm đến" và 2 tại chỗ. Đã có 277 doanh nghệp đạt yêu cầu trên. Có 32 ổ dịch đang diễn tiến và 45 ổ dịch đã ổn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, những ngày trước khá lo lắng khi được thông báo sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn miền Tây Nam bộ.

Đến nay theo báo cáo cho thấy, số lượng người dân đi mua sắm ở chợ truyền thống giảm, lượng hàng mua giảm.

Đã có nhiều trường hợp hàng hóa bán lưu động cung ứng cho người dân. Do đó áp lực lên hệ thống phân phối đã tạm ổn.

TP.HCM đã có 44 chợ truyền thống mở cửa hoạt động, lý giải nguyên nhân giá gạo và trứng tăng cao - Ảnh 2.

Người dân đứng chờ mua hàng bình ổn giá.

Sau đó Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cũng đã ký văn bản xem xét mở lại thêm một số chợ truyền thống trên cơ sở phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến chiều nay đã có 44 chợ được mở cửa trở lại, Bình Tân là một trong những quận tích cực nhất với 5 chợ.

Các phương án bán hàng trực tiếp, bán hàng trực truyến và thời gian bán hàng cũng được mang ra bàn để tăng hiệu quả cung ứng. Đã có 35 cửa hàng phục vụ bán xuyên suốt 24/24.

Vì sao giá gạo và trứng tăng cao?

Ông Phương cho biết thêm, đến nay người dân đã bình tĩnh hơn, yên tâm hơn sau khi những ngày qua có những thông tin sai lệch bị lan truyền. Hôm nay dù nhiều chợ được mở cửa nhưng người dân vẫn rất bình tĩnh, không có tình trạng tụ tập đổ xô đến chợ.

TP cũng đã nhờ Bộ Công thương trong việc cung cấp thông tin các nhà cung ứng lương thực thực phẩm phía Bắc; tính toán lại cung đường trong khâu vận chuyển hàng hóa.

Sáng nay, 2 chuyến tàu đầu tiên tháo bỏ ghế hành khách để sử dụng vận chuyển hàng hóa đã đến TP.HCM và tập kết cung ứng cho chuỗi Bách Hóa Xanh.

TP.HCM đã có 44 chợ truyền thống mở cửa hoạt động, lý giải nguyên nhân giá gạo và trứng tăng cao - Ảnh 3.

Bách Hoá Xanh vừa đón 2 chuyến hàng hoá vận chuyển theo đường thủy từ miền Tây lên.

Đây là những chuyến đầu tiên và trên đường đi có nhiều tàu nhỏ nên phải chạy với tốc độ thấp hơn so với yêu cầu.

Giải pháp là phải xuất phát sớm hơn để đảm bảo cung ứng hàng hóa.

Sở Công Thương cũng đã vận động được nhiều doanh nghiệp logistic kết nối với các doanh nghiệp cung ứng đưa hàng hóa về TP.HCM.

Về việc ứng dụng phần mềm quản lý chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói rằng mình không rành về Công nghệ thông tin. Tuy nhiên ông cho biết, phần mềm quản lý chợ đang thí điểm ở chợ Bình Thới. Khi thí điểm ổn định sẽ nhân rộng ra các chợ khác.

TP.HCM đã có 44 chợ truyền thống mở cửa hoạt động, lý giải nguyên nhân giá gạo và trứng tăng cao - Ảnh 4.

Người dân TP.HCM mua nhiều trứng trong thời gian giãn cách.

Với vấn đề có thời điểm giá gạo và trứng tăng cao, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết thời điểm đó không chỉ ở TP.HCM mà các tỉnh miền Tây cũng tăng.

Nguyên nhân có thể do hệ thống phân phối lúc đó chưa đáp ứng vì tình hình dịch bệnh, không liên quan đến việc đầu cơ tích trữ.

Việc chênh lệch giá giữa hệ thống phân phối hiện đại và chợ truyền thống cũng làm xuất hiện việc người dân mua từ trong siêu thị ra ngoài bán.

Hiện tại với việc mở lại các chợ truyền thống, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng sẽ khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá bất ngờ nữa.