Tính đến hết ngày 14/12, TP.HCM đã có 130 ca mắc Zika tại 22/24 quận huyện, trong đó có 16 thai phụ và 72 trường hợp đã qua 28 ngày theo dõi.
Các quận có số ca mắc cao như quận 2 (18 ca), quận Bình Thạnh (22 ca) và Bình Thạnh vẫn đang ghi nhận thêm số ca bệnh mới.
Trung tâm Y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo người dân, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Sốt xuất huyết cũng đang ở thời điểm đỉnh dịch. Tính đến ngày 30/11 đã có 19.021 trường hợp, tăng 6% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 11, số ca mắc đã tăng 36%. Mới 14 ngày đầu tháng 12 đã ghi nhận 1.418 ca sốt xuất huyết.
Chưa hết nỗi lo về bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, y tế dự phòng TP.HCM lại phải phân chia lực lượng để điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh quai bị có nguy cơ lây lan tại trường tiểu học Tân Xuân ở ấp Mỹ Hòa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Trước đó, trường Tân Xuân phát hiện 16 học sinh mắc quai bị. Nhà trường đã báo với trạm y tế xã và Trung tâm Y tế dự phòng huyện để phun xịt hóa chất, khử khuẩn, tuyên truyền biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho học sinh.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Hiệu trưởng trường Tân Xuân cho biết, đến nay, các học sinh được xác định mắc quai bị đã trở lại lớp, nhưng vẫn còn có nhiều học sinh khác đang nghỉ học không có lý do.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, quai bị là bệnh do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp, có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh... Phụ nữ mang thai mắc quai bị có nguy cơ sảy thai, dị dạng thai nhi, sinh non...
Hiện nay, thời tiết thất thường sẽ khiến cho khả năng lây lan của bệnh quai bị rất cao, do đó người dân cần phải giữ vệ sinh cá nhân, làm sạch môi trường xung quanh, tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Đối với học sinh, nếu có dấu hiệu của bệnh như: Sốt, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai, chảy nước bọt... thì phải nghỉ học ngay để cách ly, tránh lây lan cho các học sinh khác.
Thời gian lây nhiễm của virus quai bị là từ 7-10 ngày, nên nếu học sinh có dấu hiệu của bệnh thì phải nghỉ học trong khoảng thời gian trên.
Thống kê tới ngày 30/11, TP.HCM đã có 5.334 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong tháng 11 không ghi nhận có ổ dịch tay chân miệng nào trong trường học, trong khi đó, tháng 9 và tháng 10 ghi nhận có 5 ổ dịch trong trường học.