Để giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn một cách bền vững, hồi cuối năm 2014, chính quyền TP HCM kêu gọi người dân không cho tiền trực tiếp người ăn xin, đồng thời thực hiện việc gom những người lang thang, vô gia cư về các trung tâm bảo trợ xã hội. 

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, từ sau Tết Nguyên đán, trên nhiều tuyến đường như Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông người ăn xin đã tái xuất. Những người này xin tiền người đi đường thông qua hình thức bán kẹo, bán tăm bông...

Theo ghi nhận của chúng tôi, "đội quân" ăn xin chỉ hoạt động rầm rộ vào khoảng 15 giờ chiều cho đến tối. Ông Lê Tấn Tài (một người kinh doanh trên đường Hải Thượng Lãn Ông) cho biết: "Trước Tết, trên đoạn đường này không thấy còn người ăn xin vậy mà mấy ngày gần đây ăn xin ở đâu tới nhiều lắm, toàn là mấy đứa nhỏ ăn mặc rách rưới. Có nhiều đứa ăn mặc sạch sẽ lắm nhưng cũng đứng ở ngã tư xin tiền người ta. Mà mấy đứa này ít khi thấy xuất hiện vào buổi sáng, chỉ buổi chiều tối mới thấy".

Tại ngã tư đường 3 tháng 2 - Lý Thường Kiệt, một cụ bà khoảng 80 tuổi ngồi ăn xin giữa trời nắng oi bức đầy khói bụi. Cứ mỗi lượt đèn đỏ cụ bà lại chắp tay lạy những người đi đường để xin tiền, nhiều người thấy tội nên dừng xe lại cho tiền.

Chị Lê Thị Thu Huyền người dân sống gần công Viên Gia Định cho biết: "Nhiều ông cụ, bà cụ đã cao tuổi nhưng vẫn đứng ở ngã tư bán tăm bông, nhiều người thấy tội nên họ đi qua cho tiền thôi, ít người mua tăm bông lề đường lắm. Mấy ngày nay thấy mấy đứa nhỏ lúc trước chỉ xin ăn bây giờ cũng cầm theo vé số bán, khi mời mà người ta không mua thì tụi nó lại xin tiền".


Không khó để bắt gặp hình ảnh những em bé ăn xin trên quốc lộ 1A (đoạn quận Bình Tân đi Long An).


Cụ bà đem theo cả quần áo, chăn gối ngồi ăn xin giữa trời nắng nóng ở ngã tư đường 3 tháng 2 - Lý Thường Kiệt.



Một người già vào quán ăn trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) để xin tiền thực khách. Do không muốn bị người phụ nữ này quấy rầy nên các thực khách đành móc tiền ra cho.


Người đàn ông này đứng bán tăm bông nhưng khi mời người đi đường không mua thì ông chuyển qua xin tiền.


Nhiều người vẫn bồng bế theo trẻ em vừa đi bán vé số để lấy lòng thương hại của người đi đường.


Nhiều người đi đường thấy tội những đứa trẻ còn nhỏ phải đứng dưới trời nắng nên dừng xe lại cho tiền.


Sau buổi trưa đứng xin tiền tại đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông, nhóm ăn xin nhí tập hợp tại ngã tư nhận cơm từ hai người phụ nữ.