Số liệu từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, tuần qua, tại TPHCM ghi nhận 167 trường hợp mắc SXH. Số ca bệnh đã tăng 31% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số bệnh nhân mắc SXH tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 4.600.

Các điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết với tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng dân cư ở mức cao đang xảy ra ở quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.

TPHCM: Hơn 4.600 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều 'điểm nóng' ngay quận trung tâm - Ảnh 1.

Một trường hợp bị sốc SXH nhập viện điều trị trong tình trạng nặng

Theo HCDC, hiện nay TPHCM nói riêng và khu vực các tỉnh phía Nam nói chung đang bước vào giai đoạn mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, phát triển. Dự báo, thời gian tới bệnh còn tiếp tục gia tăng trong cộng đồng nếu không có giải pháp phòng chống hiệu quả.

HCDC khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng hóa chất, dọn dẹp sạch sẽ môi trường quanh khu vực sinh sống, làm việc, úp các vật dụng chứa nước không sử dụng đến, sử dụng lưới cửa chống muỗi, thường xuyên ngủ mùng… để tránh nguy cơ bị muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao khó hạ, cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

6 dấu hiệu nguy hiểm khi bị SXH: Sốt cao, lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn (1); chảy máu chân răng, máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ giới (2); trẻ em có biểu hiện bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù đã hết sốt (3); đau bụng (4); khó thở, thở nhanh (5); nôn ói nhiều (6).