Người dân TP. HCM hoàn toàn ủng hộ việc cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch COVID - 19
Theo chỉ thị của Thủ tướng ngày 31-3-2020, kể từ 0h ngày 1-4-2020 sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định đây là yêu cầu cao hơn để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, yêu cầu "cách ly xã hội" kể từ 0 giờ ngày 1-4 không phải là phong tỏa đất nước.
"Đây chưa phải lệnh cấm như các quốc gia đã làm, mà là dự lệnh, khuyến cáo, hạn chế người dân. Không có chuyện phong tỏa, cũng chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn người dân ra đường. Chỉ thị đưa ra biện pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây nhiễm, hạn chế đi lại".
Trong những ngày này, yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết như mua bán lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu... làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Người dân TP.HCM hoàn toàn ủng hộ việc cách ly toàn xã hội, kinh doanh buôn bán có thể gác lại, sức khoẻ là trên hết
Sau chỉ thị của Thủ tướng, 1 số người dân đặc biệt là các tiểu thương, hộ kinh doanh vẫn đang được hoạt đông chưa nắm được rõ thông tin. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng thực hiện nghiêm tục và ủng hộ việc cách ly toàn xã hội.
Chị Trang - 1 tiểu thương tại quận 5, TP.HCM chia sẻ quan điểm của mình về việc thực hiện cách ly toàn xã hội này.
"Chị chưa nắm được thông tin đó, chị bán hàng thì có nghe khách hàng nói qua thôi. Nếu như vì cộng đồng, vì sức khoẻ của mọi người thì chị sẵn sàng ủng hộ, qua 15 ngày rồi mình hoạt động bình thường sau. Nếu như để dịch bệnh lây lan nhiều quá thì mình cũng không có làm ăn gì được đâu".
Bên cạnh đó, không chỉ các tiểu thương, hộ kinh doanh mà cả những người dân trong thành phố cũng đã tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về chỉ thị cách ly toàn xã hội. Chỉnh vì vậy, hầu hết mọi người đều cho rằng đây là biện pháp thiết thực, thích hợp trong thời điểm hiện nay để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra.
Chú Cảnh - 1 người dân sinh sống tại quận 5 chia sẻ sự ủng hộ của mình và cho rằng đây là việc làm rất hợp lý để phòng tránh dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.
"Đây chưa phải là lệnh cấm, đây là kêu gọi người dân hạn chế ra đường. Tất nhiên sẽ có nhiều ảnh hưởng nhưng nếu còn thả lỏng nữa thì còn nhiều nguy hiểm hơn nữa".
Nhiều tài xế xe công nghệ cũng gặp ảnh hưởng khá nhiều bởi người dân nghiêm túc chấp hành việc cách ly sẽ hạn chế di chuyển trên đường, lượng khách hàng của họ cũng vì vậy mà giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, các tài xế đều cho rằng tuy bản thân có chịu ảnh hưởng nhưng việc cách ly xã hội là hoàn toàn cần thiết, họ sẵn sàng chấp hành nghiêm túc và ủng hộ chỉ thị này.
Chú Linh - tài xế xe taxi tại quận 7 chia sẻ: " Mình sẽ ở nhà thôi, ở nhà để phòng tránh dịch và chăm sóc con cái thôi".
Hầu hết người dân không có ý định tích trữ lương thực, thực phẩm, chỉ mua sắm đủ dùng
Sau thông báo áp dụng nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất... nhiều người dân tại TP.HCM đã có những sự chuẩn bị cơ bản để nghiêm túc chấp hành hướng dẫn cách ly này.
Tại các siêu thị, cửa hàng nhu yếu phẩm hay các chợ trong thành phố đều đón tiếp số lượng người mua sắm cao hơn thường ngày. Tại các siêu thị, quầy hàng luôn đáp ứng đủ hàng hoá phục phụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Mặc dù người tiêu dùng đến các siêu thị khá đông đúc, tuy nhiên tại các quầy hàng trong siêu thị hàng hoá luôn đầy đủ với số lượng lớn.
Nhiều người mua sắm tại siêu thị chia sẻ chỉ mua thêm 1 số đồ cần thiết và không có ý định tích trữ lương thực, thực phẩm.
Chị Hà (trú tại quận Gò Vấp) chia sẻ về việc mua sắm hàng hoá của mình.
"Gia đình chị có đông thành viên nên chị phải mua nhiều 1 chút chứ không có ý định trữ đồ ăn. Chị mua mỗi thứ cần thiết 1 chút để đảm bảo cho các thành viên trong gia đình thôi".
Tại các siêu thị, luôn có sẵn nhân viên an ninh theo dõi khách hàng, nhắc nhở việc sử dụng khẩu trang cũng như kiểm tra thân nhiệt của từng người.
Tuy rằng lượng mua sắm ngày cuối cùng của tháng 3 khá cao hơn ngày thương, nhưng chia sẻ của hầu hết mọi người đều cho rằng việc mua sắm này chỉ là bổ sung thực phẩm thiết yếu để hạn chế ra đường trong thời gian chấp hành việc cách ly xã hội.
Chị Thuý trú tại quận 5 cho biết so với những ngày thường thì lượng mua sắm tại siêu thị đông hơn, còn bản thân chị đi siêu thị với mục đích mua sắm bình thường để hạn chế việc đi lại nhiều, 1 tuần chị Thuý chỉ đi mua sắm đồ ăn, thực phẩm 2 lần.