Tối 1/9, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW (TP.HCM) cho biết, ông cùng cộng sự vừa cấp cứu cho một trường hợp bị biến chứng hoại tử mông nặng nề vì bị tiêm filler dỏm đội lốt HA Collagen "siêu vòng 3".

Nạn nhân là chị P.T.T.T. (37 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM).

TP.HCM: Người phụ nữ tiêm filler nâng mông rồi làm xẹp, rồi lại... tiêm tiếp, bị biến chứng nặng nề giữa mùa dịch - Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật xử lý biến chứng thẩm mỹ giữa mùa dịch COVID-19.

Kể lại sự việc, chị T. cho biết trước đây đã từng tiêm filler nâng mông.

Sau đó thấy căng quá nên lại đi tiêm tan filler cho bớt căng.

Tuy nhiên khi mông đã "xẹp" bớt rồi, chị T. lại thấy nhỏ không đẹp và muốn nâng cấp vòng 3 cho đầy đặn nên đã tìm đến một spa tại quận 1, TP.HCM nhờ tư vấn.

Sau khi nghe chị T. trình bày "ước mơ", nhân viên spa giới thiệu cho chị phương pháp cấy HA (Hyaluronic Acid) Collagen với lời quảng cáo giúp mông căng tròn mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nghe xuôi tai, chị T. tin ngay và đồng ý chi gần 80 triệu đồng để tiêm HA Collagen nâng cấp vòng 3.

Nhưng chỉ 2 tuần sau khi tiêm, mông người phụ nữ bắt đầu sưng to, bóng đỏ còn cơ thể bị hành sốt liên tục.

TP.HCM: Người phụ nữ tiêm filler nâng mông rồi làm xẹp, rồi lại... tiêm tiếp, bị biến chứng nặng nề giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Sau khi tiêm filler đội lốt HA Collagen, mông bệnh nhân có sẹo thâm đen và rỉ dịch mủ hôi thối liên tục nhiều ngày.

Chị T. gọi cho spa để nhờ tới nhà khám và xử lý nhưng chờ mãi không thấy. Lúc này nghi bị lừa, chị ra trực tiếp thẩm mỹ viện yêu cầu "đền" lại mông.

"Ra đến nơi nhân viên bảo tôi nằm lên bàn mổ, dùng dụng cụ y tế chọc chỗ sưng và nặn mủ ra. Họ còn bảo từ từ sẽ hết" - Chị T. đau đớn kể.

Dù vậy sau khi về nhà, mông người phụ nữ vẫn tiếp tục đau nhức, có sẹo thâm đen và rỉ dịch mủ hôi thối liên tục nhiều ngày.

Chịu đựng cảnh "sống trong địa ngục" suốt 6 tháng trời dù đã uống thuốc và đều đặn đến spa giải quyết biến chứng nhưng bất thành, chị T. liên hệ một bác sĩ khác đến nhà riêng để hút dịch mủ nhưng được cho biết đây chỉ là phương án tạm thời.

TP.HCM: Người phụ nữ tiêm filler nâng mông rồi làm xẹp, rồi lại... tiêm tiếp, bị biến chứng nặng nề giữa mùa dịch - Ảnh 3.

Bác sĩ luồn sâu bên trong để hút dịch mủ nhiều nhất có thể cho bệnh nhân.

Mặt khác, chị T. đã gọi điện cầu cứu khắp các bệnh viện, phòng khám lớn, nhỏ nhưng hầu hết đều từ chối với lý do đã ngưng hoạt động, đang điều trị COVID-19.

Lúc này, chị T. phát hiện BV JW có mổ cấp cứu nhiều trường hợp giống mình thời gian qua nên nhanh chóng liên hệ cầu cứu.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, dù việc xử lý biến chứng thẩm mỹ giữa lúc TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16 khá khó khăn nhưng khi bệnh nhân cần cấp cứu, Bệnh viện vẫn phải cố hết sức.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân đã được tiêm filler cấm nhưng lại bị lừa là HA Collagen, khiến hoại tử nghiêm trọng 2 bên mông. Áp-xe ăn sâu lan tỏa vào từng thớ thịt, phải mổ gấp.

TP.HCM: Người phụ nữ tiêm filler nâng mông rồi làm xẹp, rồi lại... tiêm tiếp, bị biến chứng nặng nề giữa mùa dịch - Ảnh 4.

Ca phẫu thuật "giải cứu mông" cho bệnh nhân kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

10 thành viên trong ekip cấp cứu phản ứng nhanh khẩn trương có mặt tại BV trong thời gian ngắn.

Ca mổ loại bỏ và phá toàn bộ ngóc ngách ổ áp xe với hơn 1 lít dịch mủ, tế bào chết cho bệnh nhân kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ.

"Vì khối áp-xe tồn tại tận 6 tháng nên sau phẫu thuật, bệnh nhân cần đặt thêm máy hút VAC áp lực âm liên tục từ 1-2 tuần mới hy vọng giảm nhanh" -  Bác sĩ Tú Dung cho biết.

TP.HCM: Người phụ nữ tiêm filler nâng mông rồi làm xẹp, rồi lại... tiêm tiếp, bị biến chứng nặng nề giữa mùa dịch - Ảnh 5.

Sau mổ, bệnh nhân cần đặt thêm máy hút VAC áp lực âm liên tục từ 1-2 tuần

Từ trường hợp này, bác sĩ cảnh báo người dân tuyệt đối không tiêm chất làm đầy vào mông.

Nếu không may bị nhiễm trùng, tụ áp-xe thì phải vào bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ xử lý.

Không nên cứ thấy mủ chảy thì nặn ra và nghĩ sẽ tự hết, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.