Nhân viên y tế ăn cơm thiu bị tiêu chảy?

Mới đây, một số nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, ký túc xá Đại học Văn Hóa TP.HCM (TP Thủ Đức) phản ánh với chúng tôi về việc liên tục phải ăn thức ăn không đảm bảo chất lượng.

Đơn cử vào buổi sáng, họ thường được ăn mì xào với vỏn vẹn vài miếng đậu hũ nhỏ. Buổi trưa cơm thường bị sống và thiu. Một số nhân viên y tế chọn cách lấy đồ ăn dùng đỡ với mì gói cho qua bữa.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế phản ánh cơm sống, phải ăn mì gói thay thế.

Gần đây, kíp trực khu cách ly cho biết có một số trường hợp đã bị tiêu chảy sau khi dùng xong bữa ăn trưa.

Với cơm chiều tối cũng "chung số phận" khi thức ăn rất khô và "rau, ớt nhiều hơn thịt", không đảm bảo dinh dưỡng cho cả đội ngũ y bác sĩ lẫn dân quân chốt trực.

Bức xúc, các nhân viên y tế đã thẳng thắn góp ý với đại diện UBND phường Phước Long A (đơn vị giữ trách nhiệm lo việc ăn uống cho nhân viên y tế, người cách ly tại khu cách ly tập trung ĐH Văn Hóa).

Tuy nhiên theo những người phản ánh, đến nay tình trạng nêu trên vẫn không thay đổi.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 2.

Một bữa ăn đầu tháng 7/2021 tại khu cách ly ký túc xá ĐH Văn Hóa TP.HCM.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 3.

Một bữa cơm khác với cá khô chiên.

Được biết từ ngày 8/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58 quy định chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân viên y tế tham gia chống dịch tổng cộng là 120.000 đồng/ngày.

Đến ngày 25/6, Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng ban hành Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND quy định rõ người tham gia công tác phòng, chống dịch (thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP) và các lực lượng trực tiếp khác tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày trong thời gian tham gia phòng, chống dịch.

Các nhân viên y tế ở khu cách ly tập trung trên cho rằng suất ăn mà mình đang được hưởng không tương xứng với số tiền được hỗ trợ và ăn như vậy sẽ không đủ sức làm việc.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 4.

Các nhân viên y tế cho rằng những suất ăn hiện tại khiến họ không đủ sức làm nhiệm vụ.

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND Phước Long A (TP Thủ Đức) cho biết sự việc không đến mức như phản ánh. Các nhân viên y tế không có sự chia sẻ với phường, vì đặt suất ăn cho mấy trăm người trong khu cách ly chứ không phải nấu trong gia đình.

Cụ thể theo ông Hiếu, từ đầu mùa dịch thức ăn trong khu cách ly luôn có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau 21 ngày của đợt dịch thứ 4, cơ quan chức năng đã thay đổi đơn vị cung cấp suất ăn một lần.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 5.

Khu cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH Văn hóa TP.HCM

"Lúc trước khi biết suất ăn do phía siêu thị nấu không đạt, có những bữa ăn bị thiu, phường đã chấn chỉnh và thay ngay đơn vị cung cấp suất ăn của Co.opXtra Linh Trung (TP Thủ Đức) bằng đơn vị cung cấp suất ăn của Vietnam Airlines.

Thức ăn được vận chuyển đến theo từng buổi. Đương nhiên có những lúc đồ ăn bị khô nhưng dần dần cũng thay đổi, nhưng luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn các bạn (nhân viên y tế - pv) cứ đòi hỏi phải ăn ngon thì làm sao đảm bảo" – ông Hiếu nói.

Về quy định hỗ trợ 120 ngàn đồng/ngày, ông Hiếu cho biết thời điểm bắt đầu áp dụng theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân TP.HCM là từ 25/6. Tuy nhiên mới chỉ có văn bản quyết định mà chưa có hướng dẫn cụ thể.

Do đó hiện tại, các nhân viên y tế vẫn ăn theo hỗ trợ cũ là 80.000 đồng/ngày.

TP.HCM: Nhân viên y tế "cầu cứu" vì phải ăn cơm thiu, bị tiêu chảy khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly - Ảnh 6.

Đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại ở khu cách ly ĐH Văn hoá là Vietnam Airlines.

Theo đơn giá quy định, các bữa ăn được chia ra là bữa sáng giá 20.000 đồng, bữa trưa và bữa chiều giá 30.000 đồng/bữa.

UBND phường yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn không được giao quá sớm hay quá trễ. Cụ thể, bữa sáng phải giao lúc 6h30', trưa là 10h30' và chiều khoảng 16h.

Chúng tôi đặt vấn đề có cam đoan nào từ cơ quan chức năng trong việc đảm bảo chế độ ăn nhằm giúp nhân viên y tế có đủ sức khỏe, yên tâm làm nhiệm vụ hay không?

Chủ tịch UBND phường Phước Long A cho biết, phường không phải là đơn vị doanh nghiệp mà chỉ là bên đứng ra đặt suất ăn, do đó việc cam kết là rất khó và mang tính "miễn cưỡng".

"Nếu theo yêu cầu của phía y tế, chúng tôi lại phải tiếp tục thay đổi một đơn vị cung cấp suất ăn khác. Nói chung, không có một đơn vị nào đáp ứng trọn vẹn hết.

Các nhân viên y tế cứ góp ý quá nặng nề, đơn vị chúng tôi rất áp lực. Sắp tới khi có hướng dẫn về hỗ trợ mới, phường sẽ điều chỉnh ngay để cải thiện cho anh em" – ông Hiếu khẳng định.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết Số: 09/2021/NQ-HĐND:

a) Đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.

b) Người tham gia công tác phòng, chống dịch thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ và các lực lượng trực tiếp khác tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày trong thời gian tham gia phòng, chống dịch.