Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 31/5 cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng trong tuần 21 của năm 2022. Ngành y tế kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 là 6.867 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Trong tuần 21 (từ ngày 20/05/2022 đến 26/05/2022), TP.HCM ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng... có thể dẫn đến tử vong.

 - Ảnh 1.

Các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Ảnh: BVCC

Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP. Thủ Đức (20/22 quận, huyện) trừ Quận 12, Phú Nhuận. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là Phường 7 (Quận 8); xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (Bình Chánh); phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân); xã Tân An Hội (Củ Chi); phường Tây Thạnh (Tân Phú).

Trong tuần 21 toàn thành phố ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Số ổ dịch tuần 21 tăng 42 ổ dịch mới so với tuần 20. Số ổ dịch tích lũy đến tuần 21 năm 2022 là 567 ổ dịch.

Các bác sĩ khuyến cáo, TP.HCM hiện đang vào mùa hè nắng nóng, cùng với những cơn mưa đã làm cho độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi khuẩn (còn gọi là virus)…dễ bùng phát và tấn công.

Bên cạnh dịch sốt xuất huyết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng cũng gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 3.699 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi.

Trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến 26/5), TP.HCM ghi nhận thêm 1.070 ca bệnh tay chân miệng, tăng 481 ca (81,7%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP. Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 4, phường 5 (Quận 8), xã Bình Hưng (Bình Chánh), phường An Lạc (Bình Tân), Thị trấn (Nhà Bè), phường 11 (Tân Bình).

Trong tuần 21 toàn thành phố ghi nhận 10 ổ dịch Tay chân miệng mới phát sinh tại 5 quận huyện (Quận 3, Quận 7, Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân), giảm so với tuần 20 (14 ổ dịch). Từ đầu năm đến nay, TP.HCM phát hiện 40 ổ dịch tay chân miệng. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.

Trước tình hình thực tế trên, ngành y tế TP.HCM kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, sốt xuất huyết là bệnh có liên quan trực tiếp đến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Thói quen bỏ rác bừa bãi sẽ tạo thêm các ổ để muỗi đẻ trứng xung quanh nhà, dẫn tới nguy cơ muỗi phát triển khắp nơi trong các khu dân cư.

Do vậy, mỗi người dân dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,… Đồng thời sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.