Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị tổ chức sự kiện tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch , các cơ sở y tế phải sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cách đây 2 năm , khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam được xem là một trong những nước phòng chống dịch hiệu quả nhất, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, khoảng nửa cuối tháng 4/2021, biến thể Delta của COVID-19 đã âm thầm xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Sau kỳ nghỉ lễ dịch bắt đầu bùng phát tại TPHCM khiến ngành y tế không kịp trở tay. Mọi nỗ lực phong tỏa, khoanh vùng nguy cơ, xét nghiệm, cách ly… đều không mang lại kết quả như mong đợi.
Ngày 17/4, trao đổi với phóng viên về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 số ca mắc mới COVID-19 tăng lên là 7 bệnh nhân. Hiện có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, không có ca bệnh nặng phải thở máy”.
Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Y tế yêu cầu đơn vị tổ chức các sự kiện, lễ hội có tập trung đông người cần thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch COVID-19. Các đơn vị tổ chức sự kiện có trách nhiệm hướng dẫn người dân tham gia tuân thủ quy định 2K (khẩu trang, khử khuẩn), đồng thời bố trí đầy đủ bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn nhanh.
Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tăng cường hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu hàng không, cảng biển; giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp. HCDC phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành.
"Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đã xem COVID-19 là bệnh không khẩn cấp mà giống như vi rút hô hấp thông thường. Trong tình hình hiện nay, những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh lý nền nếu mắc COVID-19 cần phải theo dõi sát", BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM.
Về thu dung điều trị, TS Vĩnh Châu cho biết, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được yêu cầu sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại khoa, đơn vị COVID-19.
Sở Y tế tiếp tục giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.
Bên cạnh đó, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm COVID-19 theo chuyên khoa do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến.