Sau khi tốt nghiệp ra trường, ai cũng mong muốn có thể tìm cho bản thân mình một công việc theo như ý muốn, vừa thỏa mãn được đam mê, vừa đúng với chuyên môn đã được đào tạo mà thu nhập lại khá khẩm để chẳng phải lo lắng về câu chuyện cơm áo gạo tiền.

Tuy nhiên, phàm ở đời, chẳng việc nào có thể "mười phân vẹn mười", được cái này tất nhiên phải mất đi cái kia. Việc lương cao thì chẳng nhàn nhã và nhiều khi không thoả mãn được đam mê và cái tôi. Việc thoả mãn được đam mê và chuyên môn trong trường đại học thì nhiều khi "ba cọc ba đồng" chẳng đủ sống.

Trả lương trễ khiến nhiều nhân viên nghỉ việc, sếp còn dõng dạc nói câu này làm ai nấy cũng "bó tay" - Ảnh 1.

Vì lẽ đó, những câu chuyện trái khoáy mới được nảy sinh. Và việc đi làm vì tiền hay đi làm vì đam mê vẫn luôn là nỗi trăn trở đối với không ít người, chẳng riêng gì sinh viên mới ra trường. Và cũng vì chính sự vụ tiền tài hay đam mê trong công việc ấy mà không ít người đi làm trong môi trường công sở gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.

Vừa mới đây, hội nhóm chuyên chia sẻ những tâm sự của dân văn phòng trên MXH đã đăng tải một câu chuyện của chính thành viên trong nhóm. Cụ thể, người này chia sẻ: "Chào mọi người! Mọi người có ai đi làm mà không vì lương không ạ? Chuyện là công ty của em dạo gần đây có rất nhiều người nghỉ, lý do bắt nguồn từ việc trả lương trễ. Em đã nói chuyện với sếp thì sếp nói rằng những người đó làm không được việc nên mới nghỉ, chứ họ làm được là sẽ không vì lương. Mọi người thấy sao ạ?".

Trả lương trễ khiến nhiều nhân viên nghỉ việc, sếp còn dõng dạc nói câu này làm ai nấy cũng "bó tay" - Ảnh 2.

Ngay sau khi vừa được đăng tải, câu chuyện đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng nói chung và những thành viên trong nhóm nói riêng, bởi đây là tâm sự mà không ít người gặp phải. Đáng chú ý hơn cả chính là thái độ và cách cư xử "khôn hết phần thiên hạ" mà sếp của chủ nhân câu chuyện đã làm. Rất nhiều bình luận hài hước nhưng ẩn ý châm biếm sâu cay đã được để lại bên dưới bài đăng vừa để cảm thán, vừa làm lời khuyên cho "khổ chủ".

"'Những người mà thông cảm cho công ty thì sẽ được công ty ghi nhận hết đó', sếp mình từng nói câu này lúc nợ lượng 2 tháng. Sau đó thì, à mà thôi không có sau đó. Mình mà là bạn mình sẽ nhẹ nhàng nhắn nhủ: 'Thôi anh đừng nói nữa, em nghe bấy nhiêu đủ rồi'".

"Trong công việc có 2 thứtuyệt đối không nên tin.Thứ nhất là lời (hứa) của sếp, còn lại là lời (hứa) của nhân sự lúc phỏng vấn".

"Nhân viên đi làm mà không vì lương thì công ty mở ra chắc không vì lợi nhuận. Bạn cũng nên nghỉ luôn đi là vừa bạn ạ".

Trả lương trễ khiến nhiều nhân viên nghỉ việc, sếp còn dõng dạc nói câu này làm ai nấy cũng "bó tay" - Ảnh 3.

Việc nhân viên đi làm vì đam mê hay vì lương đó là câu chuyện cá nhân của họ. Đứng ở góc độ người làm sếp, làm lãnh đạo, chỉ nên nhìn vào hiệu quả và chất lượng công việc của nhân viên để đánh giá.

Huống hồ, trong trường hợp này, sếp của "khổ chủ" còn không đảm bảo được yếu tố cơ bản cho người lao động, cụ thể là lương tháng mà còn quay lại trách ngược nhân viên. Làm sếp kiểu này quả đúng là "khôn hết phần thiên hạ".