Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Vụ việc có liên quan đến cá nhân ông Trịnh Văn Quyết trong việc thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán.
Ngay sau đó, một trong những vấn đề được thị trường quan tâm nhất là các khoản nợ của doanh nghiệp này tại những Ngân hàng lớn, đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank). Tại thời điểm đầu năm 2021, FLC có dư nợ dài hạn 1.240 tỷ đồng tại Sacombank chi nhánh Hà Nội và 600 tỷ đồng tại Sacombank, tổng cộng là 1.840 tỷ đồng.
Hợp đồng vay số 202226570364 ký ngày 18/03/2022 cho biết, hợp đồng vay của FLC và Sacombank chi nhánh Hà Nội có thời hạn 12 tháng, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và 20 triệu cổ phiếu BAV. Hợp đồng số 202126014427 ký ngày 02/03/2021 cho biết Sacombank Chi nhánh Hà Nội cho FLC vay 60 tháng để đầu tư dự án với tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay. Hợp đồng 202126115801 ngày 14/05/2021 có thời hạn 120 tháng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất và các tài sản khác của bên thứ 3.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa công bố, tính đến thời điểm 30/06/2022, số dư nợ của FLC tại Sacombank đã "sạch bóng". Điều này dường như phù hợp với tuyên bố của ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT của Sacombank vào tháng 4/2022: Tập đoàn FLC và Bamboo Airways vay tổng cộng 5.000 tỷ đồng nhưng gần một tháng sau khi việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ngân hàng này đã thu nợ được 2.600 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu xong nợ trong 1 tháng nữa.
Số dư nợ của FLC tại Sacombank đã về 0. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 của CTCP Tập đoàn FLC
Tuy nhiên, bù vào chỗ trống của một số ngân hàng thì FLC đã có thêm chủ nợ mới là ông Lê Thái Sâm – vay ngắn hạn với số dư cuối quý 2/2022 là 621 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Homeliday với số dư cuối kỳ hơn 185 tỷ đồng.
Đáng chú ý, FLC cũng có một khoản phải trả dài hạn trị giá 2.277 tỷ đồng, là khoản nhận hợp tác đầu tư với CTCP BEDA T&C. Hồi đầu năm, FLC không có khoản phải trả này.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 của CTCP Tập đoàn FLC
Được biết, BEDA T&C là đơn vị phát triển dự án Nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Đây là một trong 7 dự án mà FLC đã trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Bạc Liêu, chưa kể 3 dự án mà doanh nghiệp đang tiếp cận. Dự án nói trên khởi công vào tháng 6/2022.
Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan các dự án của Tập đoàn FLC tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu). Nguồn: Báo Bạc Liêu
Tuy nhiên, theo dữ liệu chúng tôi có được, CTCP BEDA T&C cũng mới xuất hiện khoản vay nợ đối với Sacombank chi nhánh Hà Nội, nằm trong hợp đồng 202226601072 ký ngày 08/04/2022.
Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng phát triển dự án bất động sản tại xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu số 0804/2022/HĐHTPT/FLC-BEDA T&C. Bên bảo đảm là chủ đầu tư CTCP Tập đoàn FLC.
Quyền tài sản này bao gồm: các quyền đòi nợ, yêu cầu thanh toán, thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, khai thác, quản lý dự án, bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng (trừ Quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất) …
Như vậy, dù trả hết nợ cho Sacombank nhưng FLC thông qua BEDA T&C lại xuất hiện khoản nợ gián tiếp với Sacombank.
BEDA T&C thành lập từ ngày 22/3/2018, trụ sở ban đầu tại toà nhà số 96 phố Định Công, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vốn điều lệ khi mới ra đời là 200 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoàn thiện công trình xây dựng. Ngày 27/5/2020, công ty chuyển trụ sở về tòa nhà số 108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội và đến ngày 15/12/2020, BEDA T&C tăng vốn gấp 2.000 lần, từ 200 triệu lên thành 400 tỷ đồng.
Mới đây xảy ra sự cố đường ống dẫn cát vào công trình bị phá hoại. Công ty cổ phần BEDA T&C đã có báo cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, trình báo sự việc và cho rằng cho rằng đây là hành động "xã hội đen" nhằm dằn mặt chủ đầu tư và nhà thầu.