Với chủ đề “nói xấu sếp” trên MXH, có lẽ phổ biến nhất chính là những câu chuyện xoay quanh các sếp xấu tính, cộc cằn hay bắt bẻ và nổi nóng vô cớ với nhân viên. Tuy nhiên, bất ngờ thay, khi đặt trường hợp ngược lại, sếp quá hiền dường như cũng không được lòng cấp dưới là bao.
Nói có sách mách có chứng, mới đây, một nàng công sở đã đăng đàn chê trách sếp quá lành tính với chủ trương “hòa bình” khiến cho cả team bị xem thường như sau:
“Công ty mình phòng HR không có tiếng nói vì sếp lúc nào cũng sợ mích lòng và luồn cúi với những bộ phận khác. Mỗi người 1 tính cách, mình thì thẳng thắn trong công việc, cái nào đúng là đúng, sai là sai và quy trình rõ ràng.
Sếp cứ dĩ hoà vi quý kiểu ấy và muốn mình cũng phải giống sếp thì mình không chịu được, suốt ngày cứ tư tưởng đi phục vụ người khác rồi "dạ, dạ, vâng, vâng" riết rồi không ai tôn trọng phòng mình nữa.
Nghe ông sup bộ phận khác nói chuyện với sếp mình kiểu như sếp mình là nhân viên của ổng vậy là mình thấy nóng trong người rồi. Không biết sếp có mệt không chứ em là em thấy mệt mỏi”.
Thế đấy, dân công sở lắm khi khó chiều là thế, sếp nóng nảy bực dọc vô cớ cũng mắng, mà hiền lành sống đời sống dung dị không gây chiến với ai như vị sếp trong câu chuyện trên cũng bị chửi.
Cho nên, chính từ cái sự khó chiều này, câu chuyện sau khi đăng đàn ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng và bên dưới phần bình luận, loạt ý kiến “chấn chỉnh”, chất vấn nàng công sở đã được viết ra.
“Sếp hiền hòa như này không muốn chứ muốn sếp sao, hung hăng suốt ngày đánh nhau với các team khác mới chịu à? Có không giữ mất đừng tìm, đừng hối hận”.
“Đôi khi dĩ hòa vi quý trong môi trường làm việc nhiều drama cũng là một loại nghệ thuật đó em, người giỏi cam chịu để hạ mình dưới người cùng cấp vị như sếp em là nghệ sĩ đó. Thử nghĩ nếu đặt trường hợp là mình, chả biết gây ra biết bao sóng gió gì đâu”.
“Miễn sao công việc không ảnh hưởng thì có gì mà em phải khó chịu, làm hết trách nhiệm thôi chứ muốn người khác, team khác đội mình lên đầu à. Sếp chủ trương trách gây mích lòng ai, duy trì nó mà không khó chịu, em khó chịu làm gì. Tới một lúc nào đó em sẽ nhận ra tan làm về nhà đầu óc nhẹ nhàng còn quan trọng hơn việc người khác nghĩ mình như thế nào”.
“Sếp có ‘sếp this’, ‘sếp that’, khó tính thì bị bảo là cay độc, hiền lành thì bị nói là hèn nhát. Ôi thôi đến sợ, chị đây mong có người sếp như em mà không được”.
Quả thật, môi trường công sở vốn lắm thị phi nên đôi khi các cá nhân “sống” trong đó phải học cách khôn khéo nếu muốn bình an làm việc. Hạ mình, dĩ hòa vi quý như vị sếp trên rất có thể cũng là một loại khôn khéo cần phải được “bảo tồn” và “nhân rộng”.
Nghĩ mà xem, ai cũng như vị sếp ấy chắc hẳn chốn làm việc sẽ vơi đi rất nhiều drama, cả tập thể đều chân tình và nhỏ nhẹ với nhau. Tất nhiên, với điều kiện là công việc không bị ảnh hưởng và đồng nghiệp xung quanh cũng không “được đằng chân lân đằng đầu”, hà hiếp quá đáng. Hòa bình không muốn, chả lẽ lại muốn chiến tranh?