"Có mỗi mấy cái việc nhà không suy nghĩ đầu óc mà làm mãi không xong", "Lười thế làm mỗi thế mà cũng kêu", "Làm sao mà không làm được, phụ nữ ai chẳng thế"... Nhiều ông chồng vẫn thường trách vợ thế mỗi khi tan làm về nhà thấy nhà cửa bừa bộn, vợ đầu tóc bù xù, con cái mè nheo, cơm nước vẫn chưa đâu tới đâu...

Ai cũng tưởng phụ nữ ở nhà rảnh lắm, nhưng thực ra toàn những đầu việc không tên. Loanh quanh cơm nước, tắm rửa, dọn dẹp, rửa bát, giặt quần áo, chăm con, cho con ngủ, làm việc... là đã hết ngày, nhiều khi còn ước một ngày có thêm 24h nữa để làm cho hết việc. 

Mới đây, một câu chuyện đã gây xôn xao cư dân mạng. Cụ thể, anh chồng này nghĩ ở nhà vợ chẳng có việc gì, nhưng sau khi thử ở nhà 1 hôm thì anh đã phải nghĩ lại. Hóa ra vợ ở nhà nhiều việc đến thế, sau 1 ngày chăm con thì anh chồng này bỗng thấy thương vợ mình nhiều hơn. 

Trách vợ mấy việc nhà lặt vặt làm mãi chẳng xong, chồng thử nghỉ làm chăm con

Sau khi xem xong clip, ai nấy khẳng định chị em ở nhà bảo nhiều việc chắc chắn là nhiều việc. Toàn những công việc không tên. Ấy là trong clip còn chưa bao gồm đi chợ, nấu nướng, dạy con học nữa... Các ông chồng xem clip cũng hoảng hốt, thì ra "nội trợ" ở nhà có ý nghĩa như thế, xem xong lại thấy yêu vợ, nhất định cần chiều chuộng vợ hơn. 

Những câu người chồng không nên nói, dễ làm tổn thương vợ ở nhà chăm sóc con nhỏ 

1. Anh đã làm việc vất vả cả ngày trời, giờ anh cần được ngủ

Người chồng phải ra ngoài cả ngày để đi làm nên chắc chắn cơ thể sẽ rất mệt mỏi, khó tỉnh táo vào ban đêm. Việc họ stress cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, thay vì dồn hết mọi việc cho vợ, sự quan tâm, tinh tế của người chồng sẽ động viên vợ rất nhiều.

Hơn nữa, người bố cũng có trách nhiệm trong việc chăm sóc con, không thể giao mọi thứ cho vợ mình được. Thay vào đó, có thể phân chia mỗi người ngủ trong bao nhiêu tiếng, thời gian còn lại luân phiên thay nhau chăm sóc bé, như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Hãy tưởng tượng trong khi bạn đang ngủ ngon, vợ trằn trọc ôm con một mình, sẽ cô đơn biết bao.

2. Hôm nay em tự đưa con đi chơi đi, anh có lịch nhậu với đồng nghiệp rồi

Lên kế hoạch đưa con đi chơi vào ngày rảnh rỗi, cuối tuần là điều mà bất kì gia đình nào cũng nên làm. Đi chơi không chỉ giúp xả stress, những mệt mỏi, căng thẳng suốt một tuần làm việc mà còn cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đừng nên bỏ lỡ cơ hội này nhé các ông bố.

Khi lịch hẹn đã lên mà bị từ chối, không ai cảm thấy thoải mái cả. Thậm chí người vợ có chút hụt hẫng, buồn rầu vì chồng dành thời gian ít ỏi cuối tuần cho những cuộc vui chứ không phải là vợ con. Như vậy khiến cuộc sống gia đình khó bền vững.

3. Bao giờ thì em mới giảm được cân vậy?

Ở nhà trông con, quẩn quanh cả ngày công việc bỉm sữa, việc nhà, lo toan và hàng ngàn áp lực... thì lấy đâu ra thời gian để phấn son, váy vóc hay chăm sóc bản thân mình. Thế nên đừng nói những câu phán xét như thế với các mẹ ở nhà chăm con, đặc biệt khi bạn lại là người quan trọng nhất trong cuộc đời của cô ấy. Câu nói đó sẽ khiến các mẹ tủi thân, thu mình vào và trầm cảm hơn. Nếu có ý tốt, hãy chia sẻ với họ những nỗi niềm của người phụ nữ chọn ở nhà trông con.

4. Cả ngày ở nhà em làm gì vậy?

Ở nhà trông con đâu chỉ gồm mỗi việc trông con mà còn là 1001 những công việc không tên khác. Chỉ cần ở nhà chăm con một ngày, ai cũng sẽ hiểu "ở nhà làm gì mà..." là vất vả, mệt nhọc và kiệt sức ra sao. Bởi việc ở nhà chăm con, lại cáng đáng biết bao công việc không tên, từ giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng... với "cái đuôi" luôn kề kề bên cạnh đã khiến các mẹ đủ kiệt quệ rồi. Thế nên đừng khiến họ đau lòng hơn nữa bằng câu nói đó nhé các ông chồng.

5. Mẹ nói em chăm con như thế này là không được

Không quá khó hiểu khi sự cách biệt thế hệ khiến quan điểm chăm sóc và nuôi nấng con nhỏ ít nhiều có sự thay đổi. Thế nên, đôi khi giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ xảy ra bất đồng. Là người đứng giữa, các ông chồng nên khéo léo lời nói không làm tổn thương cả mẹ và vợ của mình. Có thể góp ý nhẹ nhàng như "em thấy như vậy có tốt hơn không", hoặc "hay là như vậy có ổn hơn không em nhỉ"... thay vì ép vợ mình phải thay đổi quan điểm nuôi dạy con.

Ở nhà chăm con rất nhiều áp lực, hy vọng những người chồng sẽ biết sẻ chia, thấu hiểu thay vì phán xét, tỏ ra khó chịu với vợ của mình.