Trong đôi ba ngày Tết, ai nấy cũng đều mong chờ háo hức gia đình được sum họp đủ đầy, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của năm qua và những dự định của năm tới. Nhưng với những con xa quê, xa đất nước như mẹ trẻ người Việt đang định cư ở nước ngoài dưới đây, thì có lẽ, dù cho chị có mong muốn đến cỡ nào, năm nay chị cũng không thể quay về Việt Nam đón Tết cùng những người thân yêu, bởi điều kiện không cho phép.
12 năm sống trên đất Nhật, cuộc sống của chị thay đổi nhiều, thay đổi lớn nhất là từ là một cô gái trẻ, chị đã trở thành mẹ của 4 đứa con gái. Sự thay đổi đó khiến chị gặp không ít khó khăn vất vả ở nơi đất khách quê người, trong việc làm vợ, làm mẹ, làm bà nội trợ trong gia đình.
Nhưng chỉ duy nhất một điều làm chị day dứt mãi khôn nguôi, đó là 12 năm xa xứ, chưa lần nào chị được cùng đón Tết với gia đình mình, chưa một lần giới thiệu được rõ ràng nhất về Tết cổ truyền Việt Nam cho 4 đứa con gái hiểu. Cứ Tết về là chị chỉ biết buồn bã và nhớ nhà vậy thôi!
Mẹ trẻ trên đất Nhật xa quê 12 năm, gia tài là 4 cô con gái xinh xắn đáng yêu
Chị tên là Trang (sinh năm 1987) hiện đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Chị kể 12 năm trước, tốt nghiệp cấp 3 xong thì chị sang Nhật lấy chồng. Hiện tại, chị đang làm công việc tuyển dụng và quản lý nhân sự cho một công ty ở Nhật. Chồng Nhật của chị là quản lý của một chuỗi nhà hàng ở Canada. 4 cô con gái của chị có tên lần lượt là Yuna, Yuka, Kana và Mina. Bé lớn nhất sinh năm 2011, bé nhỏ nhất sinh năm 2017.
Do tính chất công việc của chồng, anh thường xuyên phải xa nhà đi công tác, thi thoảng mới về. Vì vậy hầu hết mọi chuyện ở nhà từ quán xuyến công việc, chăm lo con cái thì đều một tay chị Trang cả. Nhưng được cái là chồng chị rất tâm lý, dù xa cách mấy anh cũng gọi điện nhắn tin hỏi thăm vợ mỗi ngày. Chị nói đó cũng là một động lực để chị không ngừng cố gắng vì các con, vì chồng.
12 năm rời xa quê cha đất tổ, chưa năm nào được đón Tết cùng gia đình
Quay về chuyện đón Tết xa quê, chị Trang buồn bã nói: "Từ khi sang Nhật, mình chưa bao giờ về đón Tết cùng gia đình. Cứ mỗi lần Tết đến, cũng mong ước một lần được cùng bố mẹ, anh chị em quây quần bên nồi bánh chưng. Ngày bé cứ mỗi khi Tết đến, nhà mình đều gói bánh chưng. Được ngồi bên bếp canh bánh chín, rồi đập đập vào thân gỗ cháy cho nó tóe lửa lên là niềm vui của mình. Tết ở Nhật thì buồn lắm. Dù mình cũng có đi chúc Tết người thân quen, anh chị cô chú nhưng cảm giác không sao bằng Tết truyền thống ở quê nhà".
Riêng phần 4 cô con gái, cả 4 chưa được ăn Tết cùng ông bà ngoại ở Việt Nam bao giờ, mặc dù cũng đã có về chơi đôi lần vào dịp hè. "Các bé thường bảo mẹ là thích về Việt Nam chơi lắm. Những câu nói hồn nhiên con trẻ như vậy khiến mình lại buồn. Nếu có thể đưa các con về quê hương đúng vào dịp Tết, cái Tết đó sẽ rất có ý nghĩa với mình, với các con, với gia đình ông bà ngoại. Vậy mà mãi mình chưa làm được.
Tết năm nay cũng thế, mình mong mỏi được sum họp bên gia đình, với bố mẹ, anh em, đón một cái Tết đúng nghĩa và trọn vẹn, cũng là để cho 4 cô con gái về vui xuân với ông bà và hiểu rõ hơn về cái Tết cổ truyền của Việt Nam, nhưng điều kiện thì chưa cho phép" – chị Trang nói.
Tạo ra Tết cổ truyền tại Nhật vì muốn nhắc các con về nguồn cội
Nhưng dù xa nhà, xa quê như vậy, những ký ức trong chị về một cái Tết truyền thống bên gia đình không bao giờ phai, từ những ngày mẹ chị lo chuẩn bị đi chợ để mua nguyên vật liệu nấu ăn cho đến ngày 30, mọi người quây quần cùng dọn dẹp quét tước nhà cửa, chị được gói bánh chưng phụ mẹ, được canh bánh chưng. Đến mồng 1 chị sẽ được lì xì, được đi chúc Tết…
Nếu không làm gì đó cho con, không cho con ký ức về ngày Tết để các bé biết rằng trong mình có nửa dòng máu Việt thì các bé thiệt thòi quá. Bằng những ký ức của một người con xa quê cha đất tổ, bằng những kinh nghiệm nấu nướng của những người mẹ, người bà mà ngày xưa chị từng học lỏm, chị Trang tạo dựng một cái Tết truyền thống ngay tại nhà mình. Chị viết nên một chút ký ức, một chút ý nghĩa về Tết truyền thống trong tuổi thơ con, để sau này lớn lên các con sẽ có thứ để kể để nhớ về, giống như mẹ chúng ngày xưa.
"Nhiều năm không có thời gian, mình tổ chức Tết vào dịp Tết dương giống như người Nhật vì giai đoạn đó, bên này ai ai cũng có một kỳ nghỉ dài. Còn năm nào có thời gian hơn thì mình đón Tết âm lịch hệt như Tết cố truyền Việt Nam, cũng có cúng ông Công, ông Táo, cúng 30 và cả 3 ngày Tết không thiếu cái nào. Nếu có điều kiện hơn nữa thì chị kêu gọi anh em, bạn bè tới chung vui.
Bánh chưng, giò thì đặt vì không có nguyên vật liệu phù hợp để nấu nướng, còn những món khác như xôi, nem, canh, chè… thì tự làm được. Mình biết nấu nhiều món lắm chứ không riêng gì chỉ mấy món ngày Tết đâu. Các con cũng thích lắm".
Sự yêu thích của con chính là thành quả tốt nhất của một bà mẹ muốn con hiểu về Tết Việt
Chị kể thêm là các bé rất mê món Việt mẹ nấu, mê tới nỗi đến trường kể với bạn bè, thậm chí là viết vào bài tập nộp cho trường luôn. Cô con gái thứ nhì lại thích rau mùi Việt Nam, hầu như đòi ăn suốt. Những món các bé thích nhất là bánh cuốn, bánh chưng, bánh rán, xôi lạc, xôi gấc, phở... Các bé cũng hay phụ giúp mẹ trong việc nấu nướng này, riêng chị cũng cố gắng tạo điều kiện cho các con hiểu rõ hơn về món ăn quê mình.
Ngoài ra, chị Trang còn sắm sửa cho mỗi cô con gái ít nhất là 3 - 4 bộ áo dài để diện vào những dịp lễ Tết hoặc đi chùa để làm quen với lễ nghi quê mẹ. Các bé hầu như rất mê bộ quần áo "trông lạ hoắc" này, đi đâu cũng mặc, tự tin tạo dáng chụp hình ở nơi công cộng luôn chứ chẳng hề sợ sệt vì có quá nhiều người nhìn mình khác lạ. Buồn cười một chỗ là đôi khi các bé thích thì các bé cũng tự đông lôi áo dài ra mặc. Phụ mẹ nấu ăn cũng mặc áo dài, đi siêu thị cũng mặc áo dài, nhiều khi đến lớp cũng đòi mặc áo dài…
Nhưng đó là chuyện của những năm trước, còn năm nay, chắc chị phải giản lược hết tất cả mọi thứ vì các con của chị đang ốm vì dịch. Nhưng nếu các con khỏe lại trước Tết, chị muốn được đi bắn pháo hoa đón giao thừa ngoài biển với cộng đồng người Việt xa xứ.
Chị buồn bã tâm sự: "Năm nay mấy bé bị ốm dịch nên chị cũng không tổ chức gì. Nếu vài ngày nữa mà các cháu khỏe lại, thì chắc mình cũng cùng mấy anh chị em trong công ty cùng đi bắn pháo hoa ở biển cho đỡ nhớ quê và nhờ gió biển gửi về những yêu thương, nhung nhớ của những người con xa xứ".