Đêm giao thừa, Vicki Zhou vẫn ở trong phòng cấp cứu - nhưng không phải với tư cách bệnh nhân, mà là bác sĩ nội trú năm nhất. Cô gái 27 tuổi này vừa kết thúc ca trực 8 tiếng cùng với các nhân viên cấp cứu tại Bệnh viện ĐH Pennsylvania, Philadelphia và vội vã đến sân thượng tại nhà một người bạn để xem pháo hoa đêm giao thừa.
“Tôi đến vừa kịp lúc”, Zhou kể. “Bạn có thể thấy các tòa nhà cao tầng và pháo hoa bắn từ hai con sông bao quanh Philly”. Tuy nhiên, khi cô đang tận hưởng không khí năm mới, một căn bệnh nguy hiểm đang len lỏi và nhân lên trong phổi của những bệnh nhân tại Vũ Hán (Trung Quốc). Một đại dịch toàn cầu vừa mới bắt đầu.
Kể cả khi không Covid-19, việc chuyển từ sinh viên y khoa thành bác sĩ nội trú cũng là một dấu mốc quan trọng. Đây là quãng thời gian thực hành chuyên nghiệp sau khi sinh viên hoàn thành việc học trên trường.
“Sáu tháng đầu tiên là một thách thức lớn, bởi vì với tư cách thực tập sinh, bạn sẽ phải làm việc ‘như trâu như ngựa’ tại bệnh viện”, Zhou cho biết. “Bạn sẽ là người đến đó sớm nhất, là người ghi chép mọi thứ, là người được điều động tới các bác sĩ lâu năm khác nhau”.
Zhou chỉ vừa mới quen với nhịp làm việc trong bệnh viện thì dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. Giống như mọi người, cô cũng đọc tin tức mỗi ngày, nghe ngóng trải nghiệm chân thực của ông bà mình - những người đang sống ở Thượng Hải.
“Nhưng nó vẫn còn ở rất xa. Tôi không thấy ảnh hưởng của Covid-19 trong bệnh viện của tôi, chắc chắn không phải vào tháng 1”, cô nói.
Giờ đây, những bác sĩ mới ra trường như Zhou và các đồng nghiệp bị ném vào một trong những đại dịch kinh hoàng nhất trong một thế kỷ đổ lại.
Luyện tập ngay cả trong giờ nghỉ để sẵn sàng cho dịch bệnh
Trước khi đại dịch Covid-19 lan tới Mỹ, Trung tâm Y tế Presbyterian Penn đã bắt đầu một thập kỷ mới bằng cách tập huấn để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thảm họa. Trong hai tháng đầu của năm 2020, trung tâm y tế này đã bắt đầu những đợt tập huấn cấp cứu trên diện rộng, với sự tham gia của nhân viên từ rất nhiều khoa phòng khác nhau - khu chấn thương, khu nội trú, khoa hồi sức tích cực - để chuẩn bị cho những tình huống có số lượng thương vong cao.
“Chúng tôi đã nghĩ đến những quả bom bẩn. Chúng tôi đã nghĩ đến vụ xả súng tại Las Vegas. Chúng tôi đã nghĩ đến dịch Ebola”, Jonathan Bar (29 tuổi) - bác sĩ nội trú năm ba tại khoa cấp cứu, người hỗ trợ điều hành các đợt tập huấn - cho biết. “Chúng tôi cho các thực tập sinh học cách phản ứng bằng cách vừa làm bác sĩ vừa làm bệnh nhân trong buổi tập. Kể cả FBI cũng đến để xem.”
Như một phần của đợt tập huấn, các nhân viên bệnh viện sẽ dựng một chiếc lều khử trùng - thứ sau này đã được chuyển đổi mục đích tạm thời dành cho các bệnh nhiễm Covid-19 khi dịch bắt đầu bùng lên tại Mỹ. Là bác sĩ nội trú khóa trên, Bar trở thành một phần của đội trực tại lều - tuyến phòng thủ đầu tiên của bệnh viện. Đội này sẽ sàng lọc những bệnh nhân mới đến để tìm dấu hiệu của bệnh hô hấp. Những trường hợp nghi nhiễm sẽ được nhận khẩu trang và thẻ phân loại bằng màu, để được phân tới một khu vực riêng, tránh xa những bệnh nhân không bị nhiễm Covid-19 trong phòng cấp cứu.
“Chúng tôi không muốn những người nghi nhiễm ở chung lẫn lộn với những người đến đây chỉ vì bị vỡ mắt cá chân”, Bar nói.
Theo Zhou, một trong những bài tập khó nhất đối với bác sĩ năm nhất như cô là phải nói với mọi người rằng họ không thể ở bên cạnh những người thân yêu đang ở trong tình trạng nguy kịch lúc này. Kể từ khi bang Pennsylvania ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào 6/3, bệnh viện đã chuyển sang chế độ khẩn cấp: chỉ những người cần thiết mới được vào phòng có các bệnh nhân gặp vấn đề về đường hô hấp. Chính biện pháp phòng ngừa này đã gây tổn thương tinh thần cho cả bác sĩ lẫn gia đình.
“Bạn không nên đến bệnh viện nếu không cần thiết phải có mặt ở đó”, Zhou nói. “Nhưng điều đó rất khó để tiếp nhận. Tôi cảm thấy rất khó khăn, với tư cách là người chăm sóc bệnh nhân, khi phải nói với họ rằng: Xin lỗi, nhưng tôi không thể để bạn ở bên cạnh người nhà lúc này.”
Trong thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của mình, đội ngũ cấp cứu phải tranh thủ thực hành những bài tập căn bản, từ thông đường thở cho bệnh nhân đến mặc đồ bảo hộ cá nhân cho mình. Việc này nghe thì có vẻ nhàm chán, nhưng lại vô cùng quan trọng để giúp các bác sĩ nội trú xử lý các ca bệnh trong tình trạng khủng hoảng. Chẳng hạn, mũ bảo hiểm lọc khí có thể hơi khó đội và gây cản trở việc giao tiếp lúc ban đầu. Tuy nhiên, việc luyện tập sẽ giúp cho các bác sĩ giao tiếp dễ dàng hơn khi các bệnh nhân bắt đầu xuất hiện với các triệu chứng của Covid-19.
Emma Rogers (28 tuổi) cũng là một bác sĩ nội trú năm nhất. Theo Rogers, những ngày đầu bùng dịch là khoảng thời gian vô cùng khó khăn vì thiếu dụng cụ xét nghiệm Covid-19. “Chúng tôi phải đưa ra hàng loạt phán đán mà không có dữ liệu hỗ trợ”, cô cho biết. “Đây không phải là điều mà thầy cô luôn có thể dạy bạn ở trường y.”
Mọi người trong bệnh viện - kể cả những người làm thời vụ hay người mới bắt đầu - đều phải học khóa cấp tốc này. Vừa làm, họ vừa được học những kiến thức mới, chẳng hạn như làm thế nào để phát hiện ra những bệnh nhân tuy chỉ có biểu hiện của bệnh hô hấp bình thường nhưng thực ra lại mắc căn bệnh viêm phổi lạ bên trong.
Những cảm xúc hỗn độn trong mùa dịch
Đối với các bác sĩ nội trú, Covid-19 là một trải nghiệm đầy những cảm xúc lẫn lộn. Họ đã dành cả thanh xuân để được đào tạo cho những cơ hội như thế này, để biến đau thương thành chiến thắng.
“Dù sự nghiệp của tôi mới chỉ bắt đầu, nhưng một trải nghiệm như thế này có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy ra nữa”, Zhou nói. “Có lẽ 40 năm sau tôi có thể nói: Bạn sẽ không thể tin nổi những gì tôi đã chứng kiến khi còn là bác sĩ nội trú năm nhất đâu.”
Mặt khác, quy mô dịch bệnh đang ngày một trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt là do sự thiếu hụt trang thiết bị y tế. Tất cả các mô hình dịch tễ học đều dự đoán những ngày tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Thành phố Philadelphia vẫn đang dẫn đầu bang về số ca nhiễm Covid-19; hơn một nửa số máy thở đã được sử dụng.
Hiện tại, các nhân viên y tế vẫn đang làm luân phiên 8 tiếng, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi “lịch trình tăng ca” chuẩn bị được thực hiện trong vài tuần hoặc vài tháng tới. “Bây giờ đang là tình huống đòi hỏi mọi nguồn nhân lực - chúng tôi không thể ở quá xa bệnh viện vào mọi lúc”, Rogers giải thích.
Dù cơn bão Covid-19 đang bao trùm cả thành phố, một vài khoảnh khắc tươi sáng vẫn xuất hiện. Nhiều nhóm cộng đồng tại Philadelphia đã quyên góp đồ ăn cho bệnh viện. Zhou cho biết, bạn bè của gia đình cô đang gửi thêm khẩu trang y tế từ Trung Quốc để quyên góp cho bệnh viện, như một cách trả ơn vì cha mẹ cô đã gửi đồ hỗ trợ từ Mỹ đến Trung Quốc trước đó. Những người hàng xóm của Rogers đã viết thư động viên và dán trên cửa nhà cô. Thậm chí, họ còn đề nghị dắt chó đi dạo hộ khi cô có ca trực.
“Thật tốt khi nhìn mọi người đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau”, Rogers nói. “Bởi vì chắc chắn chúng tôi sẽ không thể làm việc nếu chỉ có một mình”.
(Theo National Geographic)