Với mong muốn tôn vinh truyền thống văn hóa đất Việt và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, sáng ngày 21/6 (ngày 4/5 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội tổ chức Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa".

Tái hiện "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa"

Đoan Ngọ hay Đoan Dương là một trong những ngày Tết truyền thống của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Không linh đình như ngày Tết Nguyên Đán, nhưng Tết Đoan Ngọ cũng là ngày Tết được coi trọng, từ miền quê dân dã đến phồn hoa đô hội và chốn cung đình tôn nghiêm đều long trọng tổ chức đón ngày Tết giữa năm này.

Nhiều bạn trẻ cũng như phụ huynh đưa con em đến thăm Hoàng thành Thăng Long, trải nghiệm Tết Đoan Ngọ xưa.

Việt Nam ta ở xứ nóng, nên từ dân gian cũng có nhiều phong tục thú vị và độc đáo trong ngày Tết Đoan Ngọ như dâng mâm cúng lễ sản vật đặc trưng mùa hạ lên gia tiên, dùng hoa quả, rượu nếp cái để "giết sâu bọ", tắm lá thảo mộc, hái thuốc, đeo bùa, dùng lá móng nhuộm móng tay móng chân, đánh cây,... 

Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" được tái hiện sống động.

Mỗi một tập tục là kinh nghiệm dân gian đúc kết theo năm tháng đi vào đời sống của người dân. Cũng như trong chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" được tổ chức lần này, du khách sẽ có cơ hội để trải nghiệm các nghi lễ dâng hương, tế tự các vị tiên đế.

Các tác phẩm quạt nghệ thuật của nghệ nhân Lân Tuyết trong khu trưng bày.

Bên cạnh đó, khu trưng bày cũng đã mô tả các phong tục độc đáo thông qua pano, tranh vẽ và phỏng dựng không gian ban thưởng quạt cho các quan sinh động. 

Lễ Ban Quạt trong cung đình xưa

Đoan Ngọ là thời khắc đánh dấu giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè. Tại cung đình Thăng Long đã tổ chức Ban quạt cho bách quan, trở thành điển lệ ghi trong chính sử. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm 1527, "Tháng 5, ngày mồng 5, ban quạt"

Quạt được ban cho các hoàng thân, vương thân, quan văn võ và binh lính,... Tùy thuộc vào địa vị, cấp bậc mà được ban số lượng quạt khác nhau. Không chỉ vậy, quạt còn được tiến vào Văn miếu, Vũ miếu. Lễ nghi ban quạt được coi là vua tôi cùng vui mừng, đón "Tết lành giữa năm", ban quạt là ban sức khỏe, bình an cho bề tôi. 

Vì sao Tết Đoan Ngọ xưa lại có tục ban quạt?  - Ảnh 4.

Mô phỏng Lễ ban quạt trong khu trưng bày.

Vốn dĩ nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nền nhiệt thường cao, đặc biệt là mùa hè. Trong khoảng thời gian Tết Đoan Ngọ thời tiết càng oi bức, nóng nực. Chính vì vậy, người xưa đã có lối ứng xử với thời tiết rất thông minh, chiếc quạt đã trở thành vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống.

Trong cuốn Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri đều đề cập đến việc từ bậc vương tôn quý tộc đến người bình dân đều mang theo quạt bên mình. Xưa nước ta có quạt lông, quạt lá cọ, quạt nan, thông dụng nhất là quạt giấy dó xương nan tre. 

Trong Điển chế của triều đình có quy định rõ thứ bậc dùng các loại quạt của vương tôn quý tộc, quan lại và thường dân. Không chỉ là vật thiêng được dùng trong nghi lễ, quạt còn là vật phẩm để triều đình bang giao với nước ngoài. Từ xướng họa thi phú đến diễn xướng nghệ thuật, quạt luôn góp mặt trong đời sống của dân ta từ xưa và mang trong mình bề dày lịch sử của văn hóa dân tộc.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, có sự tham gia của nhiều em nhỏ, cùng sự giao lưu của nghệ nhân Lân Tuyết, các em đã có dịp tự tay thực hiện cách dán quạt, làm quạt bằng giấy dó truyền thống. Nghệ nhân Lân Tuyết, xuất thân từ gia đình có truyền thống làm quạt lâu đời, mang trong mình niềm đam mê và trân trọng cốt cách văn hóa cổ truyền, bà đã đưa quạt xưa đến với bạn bè thế giới. 

Với những chia sẻ rất chân tình và gần gũi, nghệ nhân vẫn đau đáu trong mình việc lan tỏa giá trị của quạt xưa trong thời đại công nghệ số. 

Chia sẻ của nghệ nhân Lân Tuyết về nghề làm quạt truyền thống trong chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa"

Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn và ý nghĩa đã tái hiện được phong tục dân gian lẫn cung đình một cách độc đáo. Những hoạt động như vậy góp phần gìn giữ và nuôi dưỡng những tập tục tốt đẹp của ông cha, để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học sâu sắc về cội nguồn.