Trước giờ học Địa lý, chủ đề Châu Phi, em Chính Kỳ, học sinh lớp 5-5, Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) dành vài phút xem lại phần nội dung đã chuẩn bị cho bài học mới. Thay vì chằng chịt những chữ và số, trên tờ giấy A5 của em là các thông tin và hình vẽ được trình bày theo hình thức sơ đồ tư duy. Không chỉ Kỳ, tất cả các bạn khác của lớp đều tự chuẩn bị cho mình bài học theo cách riêng, sao cho thu hút và dễ nhớ nhất.

Giờ học hôm đó, Chính Kỳ được lựa chọn ngẫu nhiên để làm nhân vật chính điều tiết nội dung bài học. Em giới thiệu về bài học châu Phi, cùng các bạn "giải mã" từ khóa để tìm hiểu một số thông tin cơ bản về châu lục này với sự hỗ trợ của màn hình trình chiếu. Xuyên suốt quá trình, thầy giáo sẽ đóng vai trò "dẫn chuyện" và quan sát.

Sôi nổi, đầy năng lượng… đó là những điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy nếu có dịp tham gia một buổi học theo hình thức này.

Hoàn thành phần tìm hiểu qua về châu Phi, thầy giáo sẽ chốt lại kiến thức trọng tâm, đặt câu hỏi mở rộng cho các con thảo luận và tranh biện về một số vấn đề "nóng". Chẳng hạn: Tại sao châu Phi có nguồn tài nguyên phong phú nhưng đa số các nước ở đây lại có nền kinh tế kém phát triển? Một trò chơi "rung chuông vàng" củng cố lại kiến thức đã học cùng những lời dặn dò sẽ kết thúc tiết học đầy hào hứng.

Đó là một giờ học của Lớp học đảo ngược – một mô hình giảng dạy vô cùng hiệu quả đang được ứng dụng thường xuyên ở các cấp học của trường UTS. Phương pháp này đặt học sinh trở thành nhân vật chính trong quá trình học tập. Sôi nổi, đầy năng lượng… đó là những điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy nếu có dịp tham gia một buổi học theo hình thức này.

Các em sẽ chuẩn bị một chủ đề cụ thể ở nhà với sự trợ giúp của công nghệ.

Các em sẽ chuẩn bị một chủ đề cụ thể ở nhà với sự trợ giúp của công nghệ, và đến lớp học thảo luận về những thắc mắc của mình, đóng góp ý kiến. Mỗi em đều có vai trò tích cực trong lớp học, ai cũng có cơ hội chia sẻ, phản biện chứ không chỉ thụ động nghe giảng một chiều.

Đôi khi, các em hoá thân thành vĩ nhân, bác sĩ, nhà khoa học… để kể lại cuộc đời của mình và phân tích từng phát minh và thử nghiệm. Học sinh sẽ có cơ hội thực nghiệm và cảm thấy rất hào hứng khi có thể tự nghiên cứu và đưa ra ý kiến của riêng mình về lịch sử và nguồn gốc của những phát minh tầm cỡ.  

Hai giai đoạn giúp học sinh đào sâu kiến thức

Lớp học đảo ngược tại UTS được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Giáo viên tìm hiểu thông tin, xác định nội dung, mục tiêu bài học, chuẩn bị bài giảng, quay video hoặc tài liệu cho học sinh. Học sinh sẽ xem, ghi chép lại các kiến thức thu nhận được, tự làm bài tập, ghi chú lại các câu hỏi, các vấn đề gặp phải, chuẩn bị bài thuyết trình nhóm. Các em cũng có thể trao đổi trước với giáo viên về một số vấn đề trước khi trình bày bài chuẩn bị của nhóm mình trên lớp.

Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức. Lúc này, giáo viên sẽ tổ chức thảo luận theo nhiều hình thức khác nhau, nhận xét, đánh giá, giải đáp các câu hỏi của học sinh. Đồng thời, chốt lại kiến thức trọng tâm. Sau đó, giáo viên sẽ đưa thêm các kiến thức chuyên sâu vào bài giảng. Học sinh đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, nghe giáo viên giải đáp, giảng giải, làm việc nhóm, thảo luận tình huống, tranh luận, thực hành kỹ năng, thuyết trình cá nhân và nhóm. Ngoài ra, học sinh có thể tham gia các trò chơi để củng cố kiến thức và nghe nhận xét của giáo viên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Toàn, chủ nhiệm lớp 5-5 cho rằng: mô hình đảo ngược làm cho giờ học trở nên thú vị, hiệu quả và hấp dẫn hơn đối với học sinh và giáo viên. Vì học sinh đã quen thuộc với tài liệu khi lớp học bắt đầu, nên trẻ có thể dành thời gian cộng tác với giáo viên và các học sinh khác để củng cố kiến thức của mình, cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ.

Trải nghiệm một giờ học "kỳ lạ" ở trường học ở TPHCM: Giáo viên làm MC, học sinh "đóng" đủ vai, ai cũng đầy năng lượng - Ảnh 3.

Thầy giáo Nguyễn Văn Toàn, chủ nhiệm lớp 5-5 cho rằng: mô hình đảo ngược làm cho giờ học trở nên thú vị, hiệu quả và hấp dẫn hơn đối với học sinh và giáo viên.

Tương tự, cô Lê Thị Mỹ Quyên, giáo viên môn Hóa học tại UTS nhận định, lớp học đảo ngược giúp các em phát triển kỹ năng tự học và tự kỷ luật. Các em chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, khám phá, lĩnh hội kiến thức để có thể tiến tới cấp độ cao hơn trong tư duy.  Học sinh có cơ hội để phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, đặt câu hỏi phản biện.

"Chẳng hạn trong một tiết học về Amoniac, thay vì giảng cho học sinh chép bài, tôi sẽ cung cấp tài liệu, sau đó cho các em đóng vai theo nhóm: nhóm chuyên gia Hóa học, nhóm y, bác sĩ, nhóm người dân bình thường. Các nhóm sẽ trình bày kiến thức theo vai trò của mình.

Nhóm chuyên gia nói về những hiểu biết về Amoniac. Nhóm bác sĩ nói về ngộ độc Amoniac, cách xử lý khi người dân có biểu hiện ngộ độc. Bên cạnh vai trò là MC dẫn dắt câu chuyện, tôi cũng đóng những vai khác nhau như trợ lý của chuyên gia. Khi có những thông tin học sinh đưa ra chưa được chính xác, giáo viên sẽ ghi chú lại để sau buổi hội thảo sẽ trao đổi.

Hoặc cũng trong tiết học này, các em được đóng kịch với vai chính là một Tiến sĩ, giáo sư Hóa học cụ thể nào đó để khai thác những câu chuyện lịch sử thú vị xung quanh nhân vật", cô Quyên chia sẻ.

Mô hình hiệu quả khi giáo viên biết "nương" theo năng lực, tính cách học sinh

Bắt đầu được áp dụng ở UTS từ khoảng năm học 2019-2020 và sử dụng thường xuyên ở mọi cấp lớp từ năm học 2020-2021, các giáo viên ở đây nhận thấy, khi tham gia một lớp học đảo ngược, hầu hết học sinh đều rất phấn khởi. Thời gian đầu chưa quen, các em cũng có phần ngại ngùng, thiếu tự tin, nhưng càng về sau càng chủ động đưa ra ý kiến, góc nhìn của mình. Và quan trọng nhất là sau tiết học, các em thấy hiểu bài hơn, kiến thức được khắc sâu hơn do chính bản thân mình là người tìm hiểu vấn đề.

"Bản thân em là một người khi tiếp cận một bài học nào đó, em phải được tranh luận, phải được nói, được tự phân tích thì mới nhớ lâu. Vì vậy, với mô hình Lớp học đảo ngược, việc em chuẩn bị bài ở nhà, lên lớp phát biểu ý kiến, tranh luận với các bạn về vấn đề đó để bảo vệ quan điểm của mình giúp em tiếp thu được những kiến thức mới và những góc nhìn khác nhau. Đồng thời, em cũng nhớ bài tốt hơn", em Hoàng Yến (Học sinh lớp 12/1) chia sẻ quan điểm.

Bạn học của Yến, em Trịnh Ngọc Minh cũng cho rằng, Lớp học đảo ngược mang tính "thực học" hơn, giúp các em có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, góc nhìn của mình nhiều hơn, từ đó dẫn đến tăng hiệu quả học tập cũng như rèn giũa được nhiều kỹ năng và sự tự tin. Quan trọng không kém, việc đảo ngược vai trò giáo viên – học sinh sẽ  "thổi" vào lớp học một luồng sinh khí mới mẻ, sôi động và hào hứng.

Việc chuẩn bị bài ở nhà có thể sẽ mất thời gian trong giai đoạn đầu, nhưng càng về sau, với cấu trúc có sẵn, quá trình tìm kiếm thông tin sẽ dễ dàng hơn. Khi đã có nền kiến thức cơ bản về bài học, các em có thể tham khảo từ giáo viên những điều mình chưa hiểu, chưa biết. Như vậy, lượng kiến thức thu vào sẽ đa dạng, phong phú và được đào sâu hơn.

Tích cực là thế, tuy nhiên không phải mô hình này luôn được áp dụng trong mọi tiết học. Do đặc thù cần học sinh chủ động và dành nhiều thời gian nghiên cứu bài ở nhà nên các giáo viên sẽ cân nhắc và lựa chọn các bài học phù hợp để áp dụng hiệu quả.

Trải nghiệm một giờ học "kỳ lạ" ở trường học ở TPHCM: Giáo viên làm MC, học sinh "đóng" đủ vai, ai cũng đầy năng lượng - Ảnh 4.

Sau tiết học, các em thấy hiểu bài hơn, kiến thức được khắc sâu hơn do chính bản thân mình là người tìm hiểu vấn đề.

Chẳng hạn, với cấp tiểu học, lứa tuổi các em chưa có sự chủ động cao như các anh chị lớn hơn, thầy Toàn sẽ đồng hành và hướng dẫn các con sát sao thông qua việc chia sẻ những trang thông tin chính xác và an toàn. Từ nguồn tài liệu này, học sinh sẽ chuẩn bị bài học bằng các cách khác nhau, tùy theo lựa chọn. Có em sẽ ghi chú theo thứ tự, có em sẽ chuẩn bị theo kiểu sơ đồ tư duy, thiết kế thuyết trình…

Với một số em chậm hơn, thầy giáo sẽ liên hệ với phụ huynh để nhờ nhắc nhở con ôn tập hoặc cùng con đọc các thông tin, ghi nhớ từ khóa như thế nào cho hiệu quả. Việc luân phiên thay đổi vị trí người dẫn dắt lớp học cũng cho học sinh cơ hội được thể hiện mình, giúp các em tự tin và hứng thú hơn.

Bên cạnh đó, giáo viên tại UTS cũng sẽ áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực khác để học sinh tiếp thu và phát triển năng lực cá nhân một cách toàn diện. Trong đó, dạy học theo dự án cũng là một thế mạnh của UTS.