Không phải ngẫu nhiên người ta thường nói "gái chửa là cửa mả" bởi khi vào phòng sinh, không ai có thể lường trước được những gì có thể phải đối mặt. Lần đầu sinh con, chị Nguyễn Quỳnh Anh (23 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) rất háo hức chờ đón giây phút con chào đời. Tuy nhiên, chị đã có trải nghiệm đi đẻ kinh hoàng khi hành trình sinh nở tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kéo dài đến 30 ngày nằm viện.
2 giờ sáng ngày 11/5/2019, chị Quỳnh Anh nhập viện, 8 giờ chị được bác sĩ thăm khám thì đã mở 10 phân nhưng không sinh thường được nên 9 giờ sáng chị được đưa vào phòng sinh mổ và hạ sinh bé Nguyễn Diệu Anh nặng 3,5kg vào lúc 9h30 phút. Tưởng như mọi đau đớn của những cơn đau đẻ hành hạ và của cuộc phẫu thuật mổ lấy thai đã kết thúc, nhưng hành trình kinh hoàng của bà mẹ trẻ bắt đầu ngay ở phòng hậu phẫu.
Đau tim tập 1: Băng huyết sau sinh và 4 giờ đấu tranh giữ tử cung
Chị Quỳnh Anh kể: "Nằm hậu phẫu tầm 10 phút, mình bắt đầu choáng váng và nôn thốc nôn tháo, ý tá đến kiểm tra và nói mình bị băng huyết. Nhanh như cắt mình được cho uống viên cầm máu và đẩy lại phòng mổ, trước khi mê man mình nghe loáng thoáng các bác sĩ nói chuyện khả năng phải cắt tử cung".
Sau đó, khoảng 10 giờ các bác sĩ thông báo với gia đình rằng chị Quỳnh Anh bị băng huyết, sẽ phải truyền máu. 10h15 phút cơ thể không nhận thuốc, máu cứ chảy, khả năng phải cắt tử cung cao.
Sau đó là cuộc chiến giành giật tử cung suốt 4h tại bệnh viện giữa các bác sĩ: "Cũng may mắn cho mình, lúc ấy có bác sĩ Lưu Quốc Khải - trưởng khoa A2 cũng là người cao nhất quyết định các ca mổ quan trọng ngày hôm đó. Trong khi từ bác sĩ mổ, trưởng khoa mổ đều đồng ý cắt tử cung của mình thì bác Khải đã quyết định cứu mình. Sau này mình được bác sĩ nói rằng mình còn trẻ quá, mới 23 tuổi, rồi còn hạnh phúc gia đình, sức khỏe nội tiết của phụ nữ nên bác đã cố gắng hết sức để cứu chữa, mặc dù mình đã bị các bác sĩ trước nhanh tay cắt 1 phần tử cung trước đó rồi...".
Sau 2 lần mổ với đủ mọi phương pháp, trong đó có khâu nối chỗ tử cung đã cắt, bác sĩ thông báo đã giữ được tử cung cho chị Quỳnh Anh.
Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Những ngày sau mổ, chị Quỳnh Anh liên tục sốt cao, truyền kháng sinh nhẹ không ăn thua mà nặng thì cơ thể bị kháng, phù tích nước, nổi mẩn đỏ hết cả người. Thậm chí, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phải mời bác sĩ bên Bệnh viện nhiệt đới sang khám và kê đơn thuốc cho bà mẹ trẻ. Khoảng hơn 20 ngày thì chị Quỳnh Anh cũng được xuất viện về nhà (con gái chị đã được xuất viện trước đó). Nhưng mọi chuyện vẫn chưa yên ổn...
Đau tim tập 2: 1 tháng sau sinh phải quay lại viện vì "1 túi kinh khủng lòi ra từ âm đạo"
Về nhà được 1 tháng mà mãi chưa thấy hết dịch lại thấy khí hư có mùi kinh khủng, chị Quỳnh Anh quay lại viện và 1 lần nữa được chỉ định nằm lại viện truyền kháng sinh và theo dõi.
Chị Quỳnh Anh nhớ lại giây phút "đau tim tập 2": "Nhập viện vài hôm, trong lúc đi vệ sinh mình thấy âm đạo có lòi ra 1 túi nhỏ, mùi kinh khủng. Chưa biết đó là gì nên mình rất sợ, lập tức thông báo cho bác sĩ. Một lần nữa các bác sĩ lại thăm khám và kết luận có khả năng mình bị hoại tử tử cung phải cắt bỏ. Biết tin, cả nhà mình ôm nhau khóc nức nở.
Hôm sau, mình được đưa đi nội soi và cái túi gây mùi là những chỉ mổ thừa được đào thải. Các bác sĩ tiến hành xem xét có phải tử cung mình bị hoại tử hay không. May mắn thay tử cung vẫn hồng hào. Ca mổ nội soi hôm đó như 1 trường hợp hiếm gặp, rất đông các bác sĩ tới xem".
Từ đó tới nay cũng được hơn 7 tháng, cơ thể chị Quỳnh Anh đã hoàn toàn khỏe mạnh. Sau ca sinh nở kinh hoàng của mình, chị Quỳnh Anh đã rút ra những kinh nghiệm cho các mẹ bỉm sữa khác như sau:
1. Mẹ hay chị bạn đẻ dễ không có nghĩa là bạn cũng vậy nên không bao giờ được chủ quan. Những lúc cấp bách đến tính mạng thì nó sẽ tính bằng giây, bằng phút nên hãy chọn những bệnh viện đầu ngành để sinh nở.
2. Lựa chọn bác sĩ giỏi là tốt, tuy nhiên trong 1 lớp chọn thì chắc cũng 70%, 80% cá nhân mang danh hiệu giỏi thôi, nên hãy tìm hiểu kĩ và chọn được những bác sĩ giỏi nhất và đặc biệt là có tâm nhất.