Hoài An (35 tuổi, kết hôn 6 năm, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) tâm sự: "Tôi và chồng đã yêu nhau 3 năm mới cưới. Hồi đó thấy anh ấy chịu khó, sống tình cảm đi đâu làm gì cũng quan tâm mẹ, anh chị, các cháu ở nhà nên tôi mừng lắm, nghĩ mình đã tìm được 1 người đàn ông của gia đình. Nhưng không ngờ vừa bước vào hôn nhân anh ấy đã khiến tôi vỡ mộng. Chồng tôi đúng chuẩn con trai ngoan của mẹ, đi đâu làm gì cũng báo cáo mẹ. Từ việc nhỏ đến việc lớn cũng bắt hỏi ý kiến mẹ".
An cảm thấy rất khó chịu, cô cũng nhiều lần chia sẻ những suy nghĩ của mình với chồng, mong anh có thể thay đổi. Thế nhưng anh giải thích, bố anh mất sớm, mình mẹ bươn trải nuôi chị em anh ăn học. Thương mẹ thiệt thòi tần tảo nên giờ trưởng thành rồi anh muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho mẹ, làm con ngoan của mẹ.
Nhưng có vẻ chồng An đã hiểu sai hoàn toàn vấn đề báo hiếu và sống độc lập như một người đàn ông của gia đình thực sự.
Dù mẹ chồng An rất tốt tính, ở chung nhà cũng đỡ đần cô nhiều nhưng bà là người thuộc thế hệ trước, quan niệm có chút truyền thống. Bà can thiệp vào cả chuyện chi tiêu hàng ngày, cho các cháu học chỗ nọ chỗ kia rồi đến việc thăm hỏi hàng xóm, đóng góp cỗ bàn… Hễ lần nào An nhờ chồng nói giúp là y như rằng anh bảo "Cứ kệ bà thích làm gì bà làm".
Câu chuyện nhà An không hiếm gặp, thậm chí nó len lỏi vào rất nhiều cuộc hôn nhân, nhất là khi chị em chung sống cùng bố mẹ chồng. Thực chất, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề cũng không hẳn khó nhưng chỉ cần bạn thiếu khéo léo, tế nhị sẽ đẩy chuyện bé thành chuyện lớn và mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình khó cứu vãn.
Đừng cố thay đổi người đàn ông, bạn phải thay đổi chính mình
80% phụ nữ mắc sai lầm trong thời điểm này, đó là cố gắng biến chồng thành một người đàn ông có trách nhiệm, tập trung lo cho gia đình nhỏ của mình và có thể vạch ra ranh giới rõ ràng với bố mẹ.
Nếu bạn có suy nghĩ như thế thì chính bạn mới là người đẩy cuộc hôn nhân của mình xuống vực thẳm.
Hãy nhớ rằng, trong một mối quan hệ, chúng ta không bao giờ thay đổi được người khác, thứ mà chúng ta phải thay đổi và điều chỉnh là chính mình.
Thay đổi như thế nào mới đúng, có nghĩa các nàng dâu, cô vợ sẽ phải sống cam chịu?
Dĩ nhiên là không! Bạn chỉ cần thay đổi thái độ của mình đối với chồng mình.
Bạn phải cho anh ấy hiểu rằng, việc đối xử với mẹ anh ấy và với bạn như thế nào là quyền tự do của anh ấy. Nhưng bạn cũng có quyền tự do làm thế, rằng anh ấy muốn được nhận lại thì phải biết cách cho đi.
Đừng nói về đúng sai, hãy nói về ưu và khuyết điểm
Khi bạn nói chồng mình cần làm thế nọ thế kia, đó không phải đóng góp ý kiến, đó là sự áp đặt. Phụ nữ không nên giao giảng đạo lý với chồng, hãy nói về những mặt lợi và mặt hại.
Ví dụ: Khi bạn gào lên trong cơn bức xúc: "Em là vợ của anh, em sống với anh cả đời mà sao anh không chịu nghĩ cho em? Anh có phải là chồng em không? Tại sao anh không bênh vực em trước mặt mẹ?".
Rất có thể, phản ứng của anh ấy là: "Vì mẹ chỉ có một". Đi vào phương thức tranh luận này, vấn đề chắc chắn không bao giờ được giải quyết.
Bạn chỉ cần nói 3 câu thôi cũng sẽ khiến người đàn ông này thay đổi thái độ với bạn.
Câu đầu tiên: Anh hãy cứ quan tâm yêu thương mẹ nhưng hãy luôn nhớ em là vợ anh. Tình mẫu tử và tình cảm vợ chồng độc lập nhau mà.
Câu thứ hai: Khi em và mẹ bất hòa, thái độ của anh sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của em. Em hoàn toàn có thể nhẫn nhịn, có khi nhận sai về mình cho mẹ vui nhưng quan trọng sau đó anh bù đắp cho em thế nào.
Câu thứ ba: Em không cần anh bênh vợ trước mặt mẹ. Em cần sự công nhận, thấu hiểu và chia sẻ của anh dành cho em khi không có mẹ.
Lùi 1 bước để tiến 2 bước. Chỉ khi không thể thỏa hiệp, người đàn ông ấy không chịu hợp tác thì hãy nghĩ đến cách giải quyết khác. Thực chất, nếu bạn biết khai thác những tâm tư, tình cảm trong sâu thẳm người chồng, rất có thể bạn sẽ biến điểm yếu thành điểm mạnh.