Ga Đà Lạt (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là nhà ga chính của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Phan Rang - Đà Lạt, dài 84 km nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Ninh Thuận. Công trình được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành.
Tòa nhà chính của ga Đà Lạt được xây cách điệu ba mái hình chóp, mô phỏng ba đỉnh núi Langbiang, chóp giữa có một đồng hồ lớn đến nay vẫn hoạt động. Cuối năm 2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, ga Đà lạt đầu tư trở thành điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách. Đây là nhà ga đường sắt nắm giữ nhiều cái nhất của Việt Nam: Nhà ga cao nhất, cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng), độc đáo nhất, đẹp nhất.
Một phần sảnh chính nhà ga hiện nay là nơi trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ, đặc sản của Lâm Đồng phục vụ khách du lịch.
Những cửa sổ lớn giáp trần nhà được sơn nhiều màu sắc, là điểm lấy sáng tự nhiên cho toàn bộ sảnh chính. Năm 2021, ga được chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan để phục vụ khách tham quan theo đúng Luật Di sản.
Kiến trúc bên trong nhà ga được giữ nguyên. Bên trong nhà ga có điểm bán vé tàu du lịch Đà Lạt - Trại Mát dài gần 7 km. Đây là một phần được khôi phục để phục vụ du lịch của tuyến đường sắt răng cưa leo núi dài 84 km Phan Rang - Tháp Chàm.
Đầu máy bánh răng chạy bằng hơi nước hoạt động trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt gần 100 năm tuổi được trưng bày tại ga Đà Lạt, là vị trí chụp ảnh yêu thích của du khách đến thăm nơi này.
Một số toa xe có khung bằng sắt và gỗ của tuyến đường sắt được phục hồi nguyên bản. Vài toa được trang trí cho du khách tham quan, một số toa được cải tạo làm nơi phục vụ thức ăn, nước uống.
Tại ga cũng trưng bày một đoạn đường sắt răng cưa. Đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1912, hoàn thành sau 24 năm, là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở châu Á và dài nhất thế giới. Ngoài tuyến Phan Rang - Đà Lạt, trên thế giới chỉ có thêm 1 tuyến tương tự ở Thụy Sĩ nhưng ngắn hơn và cũng đã dừng hoạt động.
Hệ thống răng cưa được đặt giữa 2 thanh đường ray để giúp tàu có thể leo núi, nối miền biển Phan Rang (Ninh Thuận) với vùng cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng). Sau nhiều năm ngừng hoạt động, cơ quan chức năng 2 tỉnh đang triển khai kế hoạch khôi phục tuyến đường sắt độc đáo này với kinh phí hơn 1 tỉ USD. Một tập đoàn lớn của Thụy Sĩ cũng quan tâm và muốn tham gia dự án trên.
Để trọn vẹn cảm giác, du khách nên trải nghiệm hành trình trên tuyến đường sắt này, đoạn Đà Lạt - Trại Mát dài khoảng 7 km. Giá vé từ 130.000 - 150.000 đồng/khách.
Trên mỗi chuyến tàu, có khá đông du khách nước ngoài đến trải nghiệm tuyến đường sắt độc đáo của Việt Nam. Các toa tàu thoáng mát sạch sẽ, được ốp gỗ, nhiều khung cửa sổ kính lớn để khách ngắm phong cảnh.
Đoàn tàu lăn bánh với tốc độ 15 km/giờ, một số đoạn có bố trí rào chắn mỗi lúc tàu chạy qua.
Từ cửa sổ tàu, du khách có thể ngắm nhìn các trang trại trồng rau, hoa của người dân sát ngay bên cạnh...
Và cũng có thể nhìn thấy khung cảnh hiện đại của Đà Lạt đang phát triển. Tuy nhiên theo trải nghiệm của phóng viên, cảnh sắc dọc đường tàu tuy mát mẻ, có thể là "lạ" với du khách nhưng nhìn chung chưa có đặc điểm nổi bật.
Theo một số du khách, ngoại trừ ga Đà Lạt có nhiều dịch vụ thì khu vực ga Trại Mát còn ít các hoạt động cho du khách trải nghiệm. "Tại đây, đoàn tôi chỉ có gần 1 giờ để đi thăm chùa Linh Phước (còn gọi là chùa Ve Chai) hoặc ngồi uống cà phê cạnh ga Trại Mát chờ tàu chạy về lại Đà Lạt, không có dịch vụ gì đặc biệt. Tôi mong sẽ có nhiều hoạt động du lịch hơn quanh ga Trại Mát" - anh Khanh, khách du lịch từ TP HCM, chia sẻ.