Tăng lương là điều người trẻ nào cũng muốn, nhưng không phải ai cũng biết cách để gia tăng thu nhập.

"Làm sao để tăng tiền lương?" là câu hỏi của nhiều người trẻ sau khi ra trường. Kinh nghiệm, kiến thức hay kỹ năng mới là yếu tố quan trọng giúp bạn tăng thu nhập?

Đặc biệt trong thời điểm bão sa thải hiện nay, trong khi nhiều người thấy giữ vững một công việc đã khó thì có nhiều bạn trẻ đã thuận lợi tăng gấp 2-3 lần thu nhập. Hãy cùng gặp hai người trẻ dưới đây để xem họ đã làm gì để "sống sót" qua làn sóng bão sa thải nhé!

Tăng thu nhập gấp 6 lần từ thời điểm mới ra trường

Thu Hằng (28 tuổi, TPHCM) đang làm trong ngành truyền thông. Năm 18 tuổi, do điểm thi Đại học không cao nên Hằng chọn học trái ngành là Kinh tế. Tuy nhiên, cô xác định bản thân muốn làm trong lĩnh vực truyền thông lâu dài nên đã tìm công việc đúng ngành từ sớm.

"Những ngày đầu mới đi làm, có tháng mình chỉ nhận được 1-2 triệu đồng. Thời điểm mình đi thực tập không lương cũng có. Sau đó, mỗi lần mình chuyển việc thì tiền lương đều tăng lên. Thời điểm mới ra trường, thu nhập của mình chạm mức 10 - 15 triệu đồng/tháng", Hằng nhớ lại.

Trải qua bão sa thải nhưng vẫn tăng 2-3 lần thu nhập, bí quyết là gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Còn hiện tại, bên cạnh công việc văn phòng, Hằng còn làm quản lý truyền thông. Tiền lương của cô là 60 - 70 triệu đồng/tháng, có tháng cao nhất là 85 triệu đồng. Mới đây, cô và chồng còn cùng góp vốn đầu tư vào một phòng gym và đã thu được nguồn lợi nhuận nhỏ.

Hằng tự nhận thấy may mắn khi trong cơn bão sa thải đầu năm, cô chẳng những không mất việc mà còn thuận lợi tăng thu nhập nhờ việc đa dạng nguồn thu nhập.

Hằng nói, việc làm nhiều công việc cùng một lúc đòi hỏi bạn phải biết cân bằng giữa thời gian làm việc và cuộc sống, không được bỏ bê sức khỏe. Bản thân Hằng từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp rời công việc sớm vì mải chạy đi làm từ sáng đến đêm, khiến cả tinh thần và sức khỏe cạn kiệt.

Cô nghĩ yếu tố giúp tăng thu nhập kể cả khi trải qua bão sa thải là chọn đúng ngành có tiềm năng, không ngừng học hỏi để phát triển kỹ năng chuyên môn và mở rộng mối quan hệ. Bên cạnh đó, nếu thấy hứng thú với một lĩnh vực, bạn đừng ngại học hỏi dù có khi phải bắt tay làm mọi thứ từ đầu. Đơn cử như thời gian mới chuyển sang làm quản lý truyền thông và kinh doanh riêng, Hằng thấy động đến cái gì cũng phát hiện bản thân thiếu nhiều kiến thức và cần học thêm. Tuy nhiên, vượt qua quãng thời gian khó khăn, Hằng đã có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc, từ đó chủ động mang lại nguồn thu nhập thứ hai.

"Dịch Covid-19 và gần nhất là bão sa thải đã khiến mình nghĩ ai cũng nên có công việc phụ làm phương án dự phòng. Tất nhiên, tiền đề để tăng thu nhập là bạn cần là chuyên gia trong công việc đầu tiên trước đã", Hằng nói.

Trải qua bão sa thải nhưng vẫn tăng 2-3 lần thu nhập, bí quyết là gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với cá nhân Hằng, cô nghĩ sinh viên nên đi làm thêm càng sớm càng tốt để tích lũy thêm kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Sự tích lũy này khi gặp đúng thời điểm, thu nhập sẽ bùng nổ gấp nhiều lần so với trước.

"Tất nhiên, sẽ rất tốt nếu thời sinh viên, bạn làm thêm đúng lĩnh vực dự định gắn bó lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa tìm được việc ưng ý, bạn có thể thử một vài công việc 'tay chân' như bán hàng trên mạng, phục vụ quán cafe... 

Bản thân mình từng làm qua các công việc này và cảm thấy chúng rèn nhiều kỹ năng như ăn nói, cách cư xử với đồng nghiệp, kỹ năng giải quyết vấn đề... Mình nghĩ nguyên nhân để có mức lương hiện tại, 50% đến từ năng lực, 50% từ việc mình biết cách mở rộng mối quan hệ và tự tìm cơ hội. Mà những kỹ năng sau bạn có thể được rèn luyện khi trải nghiệm ở đa dạng công việc từ sớm", Hằng chia sẻ.

Làm nhiều công việc để đa dạng nguồn thu nhập

Từ thời sinh viên, Anh Duy (23 tuổi, TPHCM) đã thường xuyên làm 2-3 công việc cùng lúc để tăng thêm kinh nghiệm và đa dạng nguồn thu nhập. Hiện tại, chàng trai đang làm nhân viên IT ở công ty hàng không, quản lý đối tác tại một công ty công nghệ. Ngoài ra, Duy còn có 2 công việc freelancer là kinh doanh nước hoa online và nhận xây kênh website cho doanh nghiệp.

Không tính nguồn thu nhập từ các công việc freelancer bên ngoài, chỉ riêng công việc văn phòng, Duy nói thời điểm cậu thấy bản thân tăng nhu nhập gấp 2-3 lần là khi được chuyển đến một vị trí khác với đại ngộ cao hơn.

Nói về yếu tố khiến mình tăng lương, Duy cho rằng đó là "chủ động". Khi đi làm, anh chàng chủ động hoàn thành hết công việc được giao và tự học thêm kiến thức từ đồng nghiệp. Kể cả với công việc freelancer bên ngoài, Duy tự học hỏi kiến thức về ngành, áp dụng vào thực tế và tự rút ra kinh nghiệm từ những lỗi sai.

"Không cần đi làm, mà từ hồi còn nhỏ mình đã bộc lộ tính tự chủ rõ ràng nhất. Lớn lên, mình chủ động tìm việc, tự học kiến thức, tự xây kênh TikTok để bán hàng, tự xây dựng mọi thứ và tin vào điều mình làm", Duy nói.

Cũng là một người chịu ảnh hưởng từ bão sa thải đầu năm nay, Duy đồng tình với nhận định người trẻ chỉ làm một công việc thì "khó sống". Điều tốt hơn cả là bạn nên có công việc kinh doanh riêng, để tự chủ tài chính và "lỡ đâu thời tới mình phất lên".

"Khi chứng kiến làn sóng sa thải, do mình làm nhiều công việc trước đó nên may mắn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng chắc chắn bản thân sẽ 'căng như dây đàn' nếu Duy chỉ có đúng một công việc văn phòng.Tự ti, trầm cảm, hoài nghi bản thân, mất động lực là những từ dành cho bạn trong thời gian đó.

Hiện tại, cả công việc chính và công việc freelancer đều mang cho Duy nguồn thu nhập tốt. Mình thấy công việc nào bạn bỏ thời gian, đầu tư mồ hôi công sức vào nhiều hơn thì thành quả thu về sẽ tốt hơn", Duy chia sẻ.