Bệnh nhân T.T.D. (27 tuổi, trú tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên) và bệnh nhi T.T.N. (3 tháng tuổi) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, hơi thở nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ.
Theo thông tin từ gia đình, sau khi sinh con được 3 tháng, bệnh nhân có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. Trong lúc gia đình không chú ý, bệnh nhân đã cùng con nhỏ 3 tháng tuổi uống thuốc diệt cỏ, diệt nấm.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh nhân và bệnh nhi rất nặng, tiên lượng xấu nếu không xử trí kịp thời. Ê-kíp trực đã nhanh chóng tiến hành xử trí hồi sức tích cực cả mẹ và em bé, rửa dạ dày cấp cứu...
Sau 1 giờ xử trí tích cực, các chỉ số sống của 2 mẹ con đã dần ổn định, qua cơn nguy kịch.
Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân và bệnh nhi đã ổn định.
Trong thời gian vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc liên tục tiếp nhận bệnh nhân tự tử bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Không ít trong số đó là các trường hợp trầm cảm sau sinh, rất may các trường hợp đều đến sớm và được cứu chữa kịp thời.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản ước đoán, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%.
Trầm cảm sau sinh là vấn đề không thể xem nhẹ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Giáo dục kiến thức, tư vấn, giải thích cho bà mẹ mang thai và sau sinh những vấn đề cơ bản về trẻ sơ sinh, cách chăm sóc trẻ là bước dự phòng hiệu quả.
Theo các chuyên gia tâm lý, nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ và được quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kỳ hậu sản, để có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.