Bất mãn vì tiếng ồn khi thuê nhà

Gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc phàn nàn về tiếng ồn giữa các bức tường trong căn hộ cho thuê, thậm chí gặp phải không ít tình huống dở khóc dở cười. Đây là hậu quả của việc xây dựng và chia phòng bất hợp pháp tại đất nước này.

Theo đó, các chủ nhà đều muốn tăng số lượng phòng để kiếm thêm thu nhập nhưng tình trạng lạm phát tăng cao khiến chi phí xây dựng cũng leo thang. Không còn cách nào khác, họ chia nhỏ từng căn bằng các vách ngăn kém chất lượng, bất chấp quy định về cơ sở hạ tầng theo luật pháp.

Mới đây, một bài đăng ẩn danh trên mạng xã hội Hàn Quốc, kể về những trải nghiệm tệ hại mà anh ta đã trải qua khi đi thuê nhà. Rất nhanh chóng, bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.

Trăm nỗi khổ khi đi thuê nhà: Mất 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn ức chế vì tiếng ồn, sát vách đến mức nghe thấy hàng xóm làm một việc tế nhị - Ảnh 1.

Căn hộ giá rẻ không đảm bảo về chất lượng vách ngăn khiến người thuê phải chịu ô nhiễm tiếng ồn

A - nhân viên bệnh viện, tìm thấy một căn hộ gần nơi làm việc có giá thuê hàng tháng là 400.000 won (khoảng 7 triệu đồng) và quyết định sẽ ở đó. Tuy nhiên về sau, anh liên tục bị quấy rầy vì tiếng sinh hoạt ồn ào của hàng xóm, các bức tường mỏng, sát nhau khiến anh còn nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất như tiếng xì hơi.

"Tôi nghe thấy 20 tiếng xì hơi mỗi ngày. Tôi không thể ngủ được vì họ mãi lục đục và sinh hoạt lớn tiếng, vì thế tôi luôn trong tình trạng căng thẳng", A viết.

Không thể trách cứ nhà hàng xóm, A biết đó là lỗi của anh khi đã thuê một căn nhà giá rẻ. Nam thanh niên tìm kiếm lời khuyên từ cộng đồng về việc có nên trả phí hủy hợp đồng và chuyển đến một ngôi nhà cách âm tốt hơn không.

Câu chuyện trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người thừa nhận họ cũng là nạn nhân bị tiếng ồn quấy rối khi thuê những căn hộ liền vách.

Thậm chí, tiếng ồn còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Trăm nỗi khổ khi đi thuê nhà: Mất 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn ức chế vì tiếng ồn, sát vách đến mức nghe thấy hàng xóm làm một việc tế nhị - Ảnh 2.

Người đàn ông 20 tuổi bị bắt sau khi giết người ở phòng sát bên vì tiếng ồn - Ảnh: Yonhap

Chẳng hạn, ngày 2/3 vừa qua, một người sống ở Yangpyeong đã bị hàng xóm cầm vũ khí đến gõ cửa vì "tiếng tủ lạnh hoạt động quá ồn". Trước đó, ngày 24/2, một người đàn ông 20 tuổi, sống trong một phòng khách sạn ở tỉnh Gyeonggi, cũng đã bị đưa ra xét xử vì tội bóp cổ và giết một người đàn ông ở phòng kế bên, chỉ vì tranh cãi chuyện tiếng ồn giữa các bức tường.

Người trẻ Hàn Quốc khó mua được nhà

Đối với nhiều người dân Hàn Quốc, giấc mơ mua nhà ngày càng xa vời, nhất là nhóm khách hàng trẻ.

Theo dữ liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông đệ trình lên Hạ nghị sĩ Yang Kyung-sook của Đảng Dân chủ, số người có tài khoản đăng ký mua nhà tính đến tháng 1/2023 là 27,74 triệu người, giảm 860.000 người so với tháng 6 năm 2022.

Giá bất động sản tăng cao buộc nhiều người trẻ phải trì hoãn dự định mua nhà. Từ đó, họ cũng ngại kết hôn bởi số tiền chi ra để tổ chức đám cưới là không hề nhỏ.

Kim Su-yeong (36 tuổi) đã từ bỏ hy vọng có nhà và sinh con, theo The Hankyoreh.

"Có vẻ như tôi không thể có con và nuôi dạy chúng. Khi giá nhà đất tăng cao so với lương bổng, tôi không thể tìm được một chỗ ở tại Seoul".

Kim làm việc tại một thư viện. Mỗi tháng vợ chồng anh kiếm được 4 triệu won. Căn hộ họ sống hiện tại rộng 26 m2 và có 2 phòng. Để thuê căn hộ dài hạn, họ mất phí đặt cọc 170 triệu won. Hơn một nửa số tiền này cả hai phải vay mượn.

"Tôi lo lắng khi hợp đồng thuê nhà sẽ kết thúc vào năm sau, chúng tôi sẽ tốn thêm 100 triệu won cho những nơi khá hơn một chút, trong khi những căn hộ bình dân cũng đã tăng 40-50 triệu won", Kim nói.

Trăm nỗi khổ khi đi thuê nhà: Mất 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn ức chế vì tiếng ồn, sát vách đến mức nghe thấy hàng xóm làm một việc tế nhị - Ảnh 3.

Người trẻ Hàn Quốc khó mua được nhà

Nếu hiện tại là năm 2018, Lee Jae-hong sẽ không gặp nhiều khó khăn khi mua nhà ở vùng ngoại ô Seoul với mức thu nhập tầm trung của mình. Nhưng điều đó giờ trở thành bất khả với anh.

"Nếu thời gian trở lại, tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để mua được một loại bất động sản", Lee Jae-hong, người đã trì hoãn kế hoạch kết hôn vì tài chính không đảm bảo, hối tiếc nói. Bài toán mang tên "không có tiền mua nhà, không nên lập gia đình" đang khiến nhiều người dân Hàn Quốc ở ngưỡng tuổi 30 kiệt quệ đi tìm lời giải.

Anh Kang Gi-woong, 34 tuổi, may mắn giành được suất mua một căn hộ thuộc dự án nhà ở cho các cặp vợ chồng mới cưới tại khu phố Woram, tỉnh Gyeonggi. Thế nhưng, toàn bộ số tiền vợ chồng anh tích lũy được chỉ vỏn vẹn 20 triệu won, trong khi một căn hộ 55 mét vuông có giá 410 triệu won. Ngay cả khi có thể thanh toán trước 70% bằng tài sản thế chấp, vợ chồng anh vẫn cần tới 100 triệu won. Bế tắc, cặp vợ chồng lựa chọn tiếp tục sống trong căn hộ cho thuê, và không biết sẽ còn phải ở đó đến bao giờ.

Hong Seoung-kyun, 28 tuổi, đặt việc mua nhà là mục tiêu của đời mình. Miệt mài tích cóp và làm nhiều công việc bán thời gian để tiết kiệm, anh vẫn chỉ đủ tiền thuê một căn studio gần 15 mét vuông. "Trên phim ảnh, những người ở độ tuổi của tôi thường làm công việc lương cao, sống trong căn nhà rộng lớn. Ở đời thực, tôi phải chui rúc ở căn phòng bé xíu, vừa ăn mì gói vừa mơ về cuộc sống như vậy, Seong-kyun chia sẻ với Korea Herald.

Lâu nay, người Hàn Quốc luôn coi tấm bằng cử nhân từ những trường đại học hàng đầu là "tấm vé" mở ra tương lai tươi sáng tại thủ đô hoa lệ. Nhưng hiện nay, bất động sản, lại là thứ ngấm ngầm định vị "vị thế công dân" tại Seoul, theo Le Monde. New York Times trong một bài phân tích đã chỉ ra rằng, sự phân tầng đang âm thầm xuất hiện, chia rẽ những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, và trở thành một chủ đề phổ biến trên các bộ phim tại nước này, bao gồm cả bộ phim "Parasite" nổi tiếng, hay gần đây là "Squid Game".

Sự phân tầng ấy được hiểu thật đơn giản và trần trụi tới đau lòng: con cái của những gia đình giàu có có thể sở hữu những ngôi nhà tốt nhất vì tiềm lực tài chính quá tốt, còn những người ở tầng lớp trung lưu, hay lao động, thì sẽ mãi mắc kẹt trong tình thế của những công dân "hạng hai".

Có lẽ, an cư, từ một khao khát, đang trở thành thách thức vắt kiệt sức của những người trẻ tại đất nước này.