Tập 5 của chương trình truyền hình Hát mãi ước mơ có sự góp mặt của khách mời Kyo York. Trấn Thành - Cẩm Ly một lần nữa đảm nhận vai trò giám khảo, ngồi trên ghế nóng để tìm ra người xứng đáng giành chiến thắng nhất.
Trấn Thành - Cẩm Ly - Kyo York.
Cẩm Ly.
Trấn Thành.
Giáo viên dạy thể dục Trần Quang của trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông mở đầu đêm thi bằng câu chuyện về cô học trò Nguyễn Ngọc Thảo My. Thảo My năm nay 8 tuổi, học lớp 3, đang sống cùng ông bà ngoại và mẹ. Gia cảnh của cô bé khá khó khăn khi ông ngoại và mẹ làm thợ hồ ở xa, chỉ về nhà vào mỗi chủ nhật. Điều đau lòng nhất là Thảo My từ nhỏ đã mắc căn bệnh sắc tố da khiến khắp người nổi những đốm đen kém thẩm mỹ.
Thầy giáo dạy thể dục Trần Quang.
Theo bà Thảo My, muốn chữa bệnh cho cháu ở riêng phần tay và mặt sẽ phải tốn cả trăm triệu, điều kiện gia đình không kham nổi chứ chưa nghĩ đến chữa hết cả người. Mỗi khi ngủ, trở người, những nốt đốm ở lưng khiến Thảo My nhức nhối, bà phải chèn mền mong cháu bớt đau phần nào. Thảo My lớn lên với nỗi tủi thân, thui thủi một mình vì bị bạn bè xa lánh, gọi cô bé là "chó đốm". Bản thân thầy Trần Quang có cuộc sống khó khăn, phải làm thêm công tác sửa chữa, bảo trì các trang thiết bị trong trường và trực đêm kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, người thầy giáo chỉ có ước mơ hát giúp cô học trò Thảo My có cơ hội chữa bệnh, hòa nhập với bạn bè và xã hội sau này. Câu chuyện của Thảo My khiến Trấn Thành, Cẩm Ly xót xa.
Ốc Thanh Vân, thầy Trần Quang và gia đình cô bé Thảo My.
Câu chuyện tiếp theo đến từ cô Nguyễn Thị Hạnh Dung hát cho người bạn Nguyễn Thị Công, 69 tuổi, cũng là người khiếm thị. Cô Hạnh Dung từ An Giang lên Sài Gòn hát dạo, bán vé số, chồng bệnh mất đã 3 năm nay. Cô có 2 người con trai đã lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn, cô quyết định sống một mình để không làm khổ con cái.
Cô Hạnh Dung.
Cô Thị Công sống một mình 30 năm nay sau khi mẹ cô qua đời trong một căn nhà tình nghĩa xập xệ, mỗi tháng được nhà nước hỗ trợ vài trăm nghìn. Cô đã ở tuổi già sức yếu, không nhìn thấy nên không thể kiếm thêm thu nhập. Nhân duyên khiến họ đồng cảm vì chung số phận, nương nhờ nhau mà sống, xem nhau như chị em ruột thịt. Cô Hạnh Dung tâm sự vì thấy bạn mình bất hạnh hơn khi lớn tuổi, không con không cháu nên rất thương, vậy nên cô Dung đã tham gia Hát mãi ước mơ để cô Công có ít tiền mua thuốc.
Kế đến là phần thi của cậu thanh niên 22 tuổi Võ Thành Tài. Vào cuối năm Thành Tài học lớp 8, cha cậu đã trăn trối rằng hãy thay cha thực hiện ước mơ ca hát của ông. Câu nói đó khiến Thành Tài trăn trở, biến nó thành động lực để cố gắng. Kết quả, Thành Tài tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật TPHCM, chuyên ngành Thanh nhạc. Thế nhưng, gia cảnh không cho phép anh chàng tiếp tục đam mê. Mẹ cậu đã buôn gánh bán bưng suốt bao năm nuôi ba người con trai lớn khôn. Hiện tại, Thành Tài tạm gác chuyện ca hát sang một bên, làm công nhân để phụ giúp gia đình, đỡ đần cùng mẹ. Thành Tài sở hữu ngoại hình sáng sân khấu, chất giọng vang, tình cảm. Cậu hi vọng được hát cho người mẹ tần tảo nuôi con, hát cho ước mơ còn đang dang dở của người cha.
Anh chàng Thành Tài.
Câu chuyện cuối cùng thuộc về chú Huỳnh Quốc Sỹ, hát cho người bạn là chú Nguyễn Đức Ngọc và vợ là cô Hưởng. Vợ chồng chú Ngọc – cô Hưởng có 7 người con, gồm 5 trai, 2 gái. Bi kịch ập đến với gia đình khi những đứa con lần lượt mắc bệnh viêm cầu thận và 3 đứa đã qua đời. Đôi vợ chồng luôn day dứt vì không có điều kiện cho các con khám, chữa bệnh đến nơi, đến chốn. Vậy mà, cuộc đời chẳng buông tha khi chú Ngọc cũng mắc bệnh và phải cắt 2 bên thận, cổ hư, chỉ uống chứ không thể ăn và cũng không thể nói được.
Chú Quốc Sỹ và cô Hưởng.
Hơn thế nữa, chú Ngọc còn bị tai biến, chỉ ngồi một chỗ, bao nhiêu gánh nặng dồn lên vai người vợ. Đến năm 2012, cô Hưởng lại càng suy sụp khi biết tin mình cũng bị suy thận. Cuộc sống khó khăn, bệnh tật đến nỗi cô chẳng dám ước mơ gì. Cô chỉ mong có tiền đưa những đứa con đi khám vì sợ chúng lại bị đau rồi lại ra đi. Chú Quốc Sỹ xót xa cho hoàn cảnh của gia đình, mong hát để giúp đỡ cô Hưởng phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.