Da bị ăn mòn
Sản phẩm chị Mi sử dụng là một hộp kem hiệu T.T với nhiều hình ảnh về quá trình làn da trở nên trắng đẹp sau ít ngày. Vài ngày đầu sau khi dùng, chị cảm thấy da mặt sạch và sáng hơn, nhìn như trẻ ra. Hài lòng với hiệu quả tức thì mà hộp kem mang lại, chỉ tiếp tục bôi kem T.T lên da. Không ngờ, sau 2 tuần, da chị đã bị nổi mụn, đỏ, đi kèm cảm giác khó chịu trên da.
Mang hộp kem đến một bác sĩ da liễu, vị này cho biết nhiều khả năng chất corticoid cường độ mạnh có trong hộp mỹ phẩm này là “thủ phạm”. Về cơ bản, chất này có chức năng tẩy tế bào ngoài da, có tạc dụng giúp liền vết sẹo, “kéo miệng” nhanh vết thương nhỏ khi được dùng hợp lý, đúng cách. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, chất này sẽ ăn da một cách nhanh chóng. Đây chính là đặc điểm khiến nhiều người dùng ban đầu cảm thấy da mình sạch ra. “Da họ bị bào mòn nhanh chóng mà họ cứ ngỡ làn da non đang được tái sinh”, bác sĩ này nói.
Nguy cơ tiềm ẩn đáng sợ như vậy nhưng hiện nay, nhan nhản trên khắp các trang web bán hàng qua mạng, thậm chí tại các tiệm tạp hóa, tiệm gội đầu, hay các cửa hàng mỹ phẩm trong chợ, trong ngõ… người tiêu dùng đang bị bủa vây trong mê hồn trận các loại kem “trắng da thần tốc” giá rẻ.
Đây là các sản phẩm được sản xuất với những nhãn hiệu không rõ nguồn gốc và được quảng bá được làm từ những công thức từ ốc sên, linh chi, nhau thai cừu... “Rẻ như bèo” cũng có mà đắt như vàng cũng được mời chào, mỹ phẩm làm trắng da cứ len lỏi và tồn tại khi người bán nắm trúng tâm lý của nhiều phụ nữ là muốn đẹp, “càng đẹp nhanh càng thích”. Đến khi xảy ra hậu quả, người dùng phải chịu mọi tổn thất, vừa tốn tiền vừa xấu hơn so với lúc ban đầu.
Đừng tự hủy da mình
Để đánh giá chất lượng của một số loại mỹ phẩm làm trắng da trên thị trường, một số sản phẩm có giá từ 50.000-150.000đ chọn mua ngẫu nhiên ở các chợ đã được đem đi kiểm nghiệm tại một đơn vị giám định uy tín tại Việt Nam. Kết quả thật ngạc nhiên, trong 7 mẫu mỹ phẩm làm trắng da được kiểm nghiệm vừa qua, chỉ có 2 mẫu mỹ phẩm từ các thương hiệu có uy tín có các thành phần không gây kích ứng da. 5 mẫu còn lại như B.L, G.Y, NTK, V, LLJ… đều gây kích ứng từ mức độ nhẹ đến mức độ mạnh.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (Trưởng Khoa Lâm sàng 1, BV Da liễu TP.HCM) nói rằng những kem bôi, mỹ phẩm làm trắng da được rao bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc thường có chứa chất corticoid, hydroquinone, acid nồng độ cao. Trong các chất này, corticoid được dùng để pha trộn nhiều nhất vì có thể tẩy da nhanh và mạnh.
Theo bác sĩ Hoàng, corticoid bản chất là một loại thuốc bôi lên da dùng để điều trị một số bệnh ngoài da (chàm, viêm da kích ứng, chống viêm, chống ngứa) theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa có corticoid trong vòng 2 tuần, theo dõi và điều chỉnh liều lượng “kem trắng thần tốc”, corticoid nổi tiếng là “thần dược” làm đẹp tức thời. Do vậy khi sử dụng những mỹ phẩm, kem này từ 3 - 7 ngày đầu sẽ thấy da trắng và đẹp rất nhanh, khiến nhiều chị em lầm tưởng “hiệu quả” của sản phẩm đó tốt. Vậy nhưng nếu sử dụng lâu dài, một khi người dùng ngưng khoảng một tuần là thấy ngay hậu quả. Các triệu chứng phát sinh như khó chịu, da đỏ lên, ngứa, nổi mụn đỏ li ti. Khủng khiếp hơn, người bị nhiễm chất này có nguy cơ bị teo da, mỏng da, giãn mạch máu, nhiễm trùng da, da nhờn sẽ nhờn hơn, nám sẽ nám nhiều hơn, và nổi mụn, thậm chí là mọc lông trên vùng mặt.
“Nạn nhân của kem trắng cấp tốc, mỹ phẩm nhãn hiệu không uy tín mà các bác sĩ da liễu chúng tôi gặp nhiều nhất là các bạn tuổi từ 15 - 30, lứa tuổi này mục đích họ dùng để trị mụn; còn trên tuổi 30 thường là nạn nhân của sản phẩm chữa nám và sần da”, bác sĩ Huy Hoàng cho biết thêm.