1. Khi phụ nữ bị sàm sỡ, bị lột đồ ra sờ soạng, bị một đám đông trông có vẻ giống như đàn ông ép một phụ nữ vào một góc để chịu đựng những lời nói, cử chỉ, ánh mắt khả ố, thì đàn ông có lỗi hay phụ nữ có lỗi?
Đàn ông có lỗi khi bầy đàn? Phụ nữ có lỗi khi hở hang?
Tôi nghĩ là lỗi ở phụ nữ, lỗi rất nặng.
Khi đã không đẻ ra được và dạy dỗ được lấy một người đàn ông tử tế trong đám lúc nhúc sờ soạng kia. Một người đàn ông đủ tử tế để giải vây cho một cô gái đang bị sàm sỡ trước mặt mình.
Một người đàn ông nhận ra rằng, trong lúc đám đông đang suy nghĩ bằng nửa người dưới, thì anh ta biết lấy 1 tay che ống kính máy ảnh của các nhiếp ảnh gia và đưa cánh tay kéo cô gái ra khỏi đám ấy rồi nói, đây không phải chỗ của em, đi về đi cô gái, thế này là quá đủ rồi!
Cảnh trèo rào ở công viên nước Hồ Tây hôm 19/4.
2. Cuộc vui đến đây là hết, cái còn lại là một thương hiệu đã làm tổn thương sự văn minh của xã hội và tổn thương nhiều người bởi một event được tổ chức khinh suất và đầy miệt thị cư dân thành phố.
Đánh vào lòng tham của con người là một trong những insight tồi tệ nhất khi một công ty thiết kế chương trình truyền thông, khuyến mại, hay tri ân mà họ gọi.
Họ mặc định khách hàng của họ là người tham lam và thích hưởng lợi miễn phí. Họ cũng cho rằng, tiền là thứ duy nhất có giá trị nhất trong khi sản phẩm họ bán ra lại là không gian văn hóa giải trí đặc thù.
Công viên nước không có đội ngũ tư vấn truyền thông, marketing tốt?
Hay họ đã không thèm quan tâm tới những nguyên tắc tối thiểu khi tổ chức sự kiện, buộc phải kiểm soát tốt lượng người tham dự, phải đảm bảo cam kết sự an toàn và tôn trọng cho khách hàng, những tình huống cần có đội ứng phó chuyên nghiệp?
Trừ phi, ngay từ đầu, ban tổ chức đã mong muốn tạo ra một cơn hỗn loạn.
Giống như những người đứng giữa ngã tư Ba Đình tung áo mưa khuyến mãi của Hà Lan, giống như những người đứng trên lầu rải tiền (giả) xuống tạo một vụ giẫm đạp lịch sử 36 người chết ở Thượng Hải.
Cũng gần giống như những cửa hàng cho ăn sushi miễn phí ở Đoàn Trần Nghiệp, đều là những chương trình được thực hiện theo cách tạo ra một đám đông hỗn loạn.
Nhà văn Trang Hạ.
3. Ứng xử thế nào khi bạn đang đứng ở giữa một đám bầy đàn cũng là một câu hỏi khó, dành cho mỗi người, bất kể đàn ông hay phụ nữ.
Nhưng học cách bảo vệ bản thân giữa một xã hội cứ sống theo quán tính cũng là một kỹ năng bắt buộc của mỗi người.
Ít nhất là khi đã vào giữa công viên nước, đã đẩy phao ra giữa sông lười, mà thấy không gian chật chội, chất lượng dịch vụ kém, thì lập tức đi về, đâu phải cầm một tấm vé miễn phí thì xứng đáng bị đối xử như một kẻ được bố thí? Mình là người cơ mà!
Đã đến nơi rồi nhưng người ta vừa đóng cổng công viên, về thôi chần chờ gì nữa, mình có lòng tự trọng mà! Và mình cũng tôn trọng quyết định của người khác, của bảo vệ công viên nước.
Còn nếu nghe tin nên đến công viên nước chỉ vì miễn phí? Sao chúng ta không tập thói quen tiêu tiền đúng, cho những thứ xứng đáng? Đồng tiền kiếm được là tài năng, nhưng tiêu đi là văn hóa.
Đừng để người ta mặc định dán lên mặt mình một cái nhãn là “tham rẻ, hám lợi” được, vì mình là HẲN một con người cơ mà!
Nhà văn Trang Hạ Trang Hạ được biết đến là một nhà văn, dịch giả, nhà báo. Chị là tác giả của một số cuốn sách gây xôn xao dư luận như: "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ"; "Đàn ông không đọc Trang Hạ"; "Đàn bà 30"; "Tình nhân không bao giờ đòi cưới"... Trang Hạ cũng nổi tiếng là người có nhiều phát ngôn gây sốc. |