Cuộc đời phụ nữ không phải chỉ ngồi chờ một người đàn ông đến "rước"
Là 1 trong 50 người phụ nữ ở danh sách phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bầu chọn vừa được công bố gần đây, cảm xúc của chị thế nào?
Trong cuộc đấu tranh cho nữ quyền nhiều khi thường là đơn độc. Được lọt trong danh sách này với tôi đó là một sự ghi nhận cho những tâm huyết và nỗ lực của mình.
Để dịch nghĩa có thể là phụ nữ có ảnh hưởng hoặc phụ nữ quyền lực... chị thích danh hiệu nào?
Đó là phụ nữ có ảnh hưởng, chứ nếu có quyền lực tôi đã làm nhiều hơn thế.
Đấu tranh cho nữ quyền như chị nói cần có sự dài hơi nhưng ngay điều gần gũi nhất, lời mẹ dạy con gái nhiều khi cũng đã sai...
Đó là cách cha mẹ dạy con theo giới tính. Câu cửa miệng quen thuộc của nhiều bà mẹ là: "Lười chảy thây như thế chó nó rước". Nghe tưởng bình thường nhưng đó là sự nhiếc mắng tồi tệ, hàm chứa rằng bạn là phụ nữ có mục đích sống là một người đàn ông, cái người sẽ "rước" bạn về. Dường như ý nghĩa cuộc sống của phụ nữ chỉ có vậy, chờ một người đàn ông đến rước và sống cho một người đàn ông nào đó. Thậm chí, mẹ dạy con gái phải giữ gìn trước hôn nhân cũng là ý con gái thì phải giữ trinh tiết cho một người đàn ông. Đừng bắt bé gái mới sinh phải chịu trách nhiệm giữ trinh tiết cho một người đàn ông chưa từng quen. Tất cả những đánh giá về phụ nữ đều đang đặt vào tay người khác. Việc kết hôn cũng vậy phụ nữ phải giục cưới, chờ người cưới vậy phụ nữ không có quyền lựa chọn, không có quyền cưới hay sao mà phải đòi mới cưới?
Những từ như "gái ế" hoặc "không lo mà chồng con đi"… đó cũng là cả bầu trời định kiến. Đó là những câu nhắc nhở từ thời xưa, nhưng ở thời nay khi sách báo, phương tiện truyền thông đại chúng quá phổ biến thì ai cũng hiểu những mốc nên làm gì trong cuộc đời còn kết hôn rõ ràng là chuyện của cá nhân, bạn còn những đam mê, tham vọng và những mục đích sống khác ngoài chuyện lấy chồng và đẻ con cơ mà.
Hoặc "Con gái con lứa phải ý tứ", đó thực sự là những câu dạy con của thế kỷ trước.
Chị dạy con gái như thế nào?
Tôi mua xe trượt, cho con chơi xgame, muốn con tham gia các môn thể thao mạo hiểm… tất cả cũng vì muốn con ham vận động. Nhưng con tôi bảo: "Ôi các anh ấy phóng xe vù vù" thì tôi không ép con gái theo ý thích của mình nữa. Với đứa trẻ 4 tuổi nó cũng cần được cư xử như 1 cô gái 20, đó là sự tôn trọng về những sở thích cá nhân. Tôi ra nước ngoài và học được hãy dạy trẻ con bằng kiến thức và kĩ năng chứ không phải là những lời khuyên răn.
Tôi cũng sẵn sàng chi tiền, mua cho con 5 loại nhạc cụ để biết kết quả là con mình thích chơi một loại nhạc cụ nào.
Phụ nữ có cần đòi quyền lực ở trên giường không?
Có ai lấy mất quyền lực của phụ nữ ở trên giường đâu.
Cuộc tình 10 năm tan vỡ, người chồng sau khi chia tay người vợ tào khang thì công khai ngay tình mới xinh lung linh… những câu chuyện dạng như thế này đã khiến phụ nữ kêu gọi mạnh hơn, ngừng hy sinh, yêu bản thân…
Là người làm về truyền thông tôi đọc được chiêu trò truyền thông trong đó. Không phải vô cớ mà trước sự kiện này nọ lại xảy ra con tố mẹ, vợ tố chồng, chồng tố bồ…
Còn việc kêu gọi ngừng hy sinh, yêu bản thân của phụ nữ không phải là chuyện mới… Tại sao đợi đến lúc bị đòi hỏi chăm sóc chồng, gia đình thì phụ nữ mới biết kêu gọi. Tại sao không bắt đầu từ những bé gái để khỏi "mất bò mới lo làm chuồng".
Những quan điểm lỗi thời về dạy con như con phải biết nhường nhịn người khác (công bằng hơn là ai đến trước sẽ có phần trước) hoặc người lớn giành đồ chơi của đứa trẻ rồi bắt "ạ" thì mới trả lại… Hãy ngừng cho trẻ đọc Tấm Cám hay Bạch Tuyết (cả đời chờ 1 chàng hoàng tử đi qua và được hôn chỉ vì nàng quá xinh đẹp…). Khi các bé gái biết yêu thương bản thân mình từ tấm bé và không phải ngồi đợi Hoàng tử lúc lớn thì không cần đợi đến 30 tuổi mới ngồi hô khẩu hiệu "ngừng hy sinh"…
Nhưng phụ nữ nếu phải hy sinh thì nên vì ai, vì điều gì?
Nếu không có chữ hy sinh là tốt nhất. Nhưng nếu có hy sinh thì đó phải là sự tự nguyện để không bao giờ phải có những lời than trách: "Tôi đã đối tốt với anh suốt 10 năm qua rồi giờ anh công khai có bồ mới". Nếu bạn biết vui sống trong 10 năm qua thì bạn chẳng bao giờ phải oán trách ai cả vì vĩnh viễn không ai cướp được của bạn 10 năm hạnh phúc ấy trong đời bạn.
Cùng với việc kêu gọi ngừng hy sinh thì không ít phụ nữ có thái độ cực đoan với đàn ông...
Trong vai trò của một trí thức muốn cống hiến cho xã hội dù đấu tranh cho nữ quyền nhưng tôi trân trọng giá trị của cả 2 giới. Tôi đấu tranh cho nữ quyền nhưng thực ra cũng tức là tôi đang dỡ những gánh nặng trên vai đàn ông Việt. Khi phụ nữ có trách nhiệm với cuộc sống của mình họ sẽ không phải đổ lỗi cho đàn ông nữa. Nếu họ chọn phải một ông chồng tồi là do họ lựa chọn không đúng.
Tôi từng nói: "Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì được vợ nuôi khác gì con lợn" nhưng như thế không có nghĩa là trước khi lấy vợ họ không là đàn ông tử tế. Và người có lỗi vẫn chính là phụ nữ tại sao lại tạo một "con lợn" trong nhà và sống chung với nó một cách hiển nhiên như thế. Nhưng nhiều người chỉ đọc câu chữ bề mặt mà nhiếc móc, ném đá…
Khi tôi đi chạy, tôi thực sự mong có một thế giới văn minh cho mình sống, có chiếc toilet công cộng cho người chạy 30km có thể nhìn thấy. Cho những người ngồi xe máy nhìn vào trong hồ không nhìn những người đang chạy bộ mà bình luận về vùng kín, hay số đo 3 vòng của họ. Tôi không bao giờ đáp trả lại những lời lẽ khiếm nhã này bởi tôi mong có một thế giới văn minh để sống.
Khi tôi thực hiện chiến dịch đàn ông giúp vợ làm việc nhà, có người thắc mắc tôi đang bận làm xe ôm làm sao có thể về nhà giúp vợ thì... tôi không nói đến họ, tôi nói đến những người đang ngồi ngoài quán bia ngoài kia cơ.
Cùng với sự hy sinh là sự tha thứ, đàn bà tha thứ hết lần này đến lần khác rồi đau vẫn là chính mình...
Có người bảo ngày xưa chồng ra chiến trận ở nhà phụ nữ vẫn là phụ đảm đang, chờ chồng mà thời nay khẽ cái kêu khổ, đấu tranh đòi nữ quyền. Thi mọi sự hy sinh cần xứng đáng, thời xưa những người chồng đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc là sứ mệnh cao cả thì sự hy sinh của phụ nữ là xứng đáng.
Nhưng thời nay nếu hy sinh vì một ông chồng đang ngồi trong quán nhậu thì thật điên rồ. Nếu vì chiến trường vì sự ngăn cách của số phận mà người chồng thời những năm xưa có "bà hai" ở đâu đó thì sự bao dung của người phụ nữ ở nhà cũng có thể mà hiểu.
Nhưng nếu tha thứ cho người chồng ngoại tình vì vợ có bầu mà 1 tháng chưa được gần vợ thì đó là sự tha thứ mù quáng. Hãy xác định hy sinh hay tha thứ có xứng đáng không? Hạnh phúc không phải chỉ là cơm dẻo canh ngọt mà còn là được sống với cuộc đời bạn mơ ước. Hạnh phúc còn là thế giới phía ngoài cánh cửa của Mị chứ không phải chỉ có ngồi chờ một người chồng tốt được số phận mang tới.