Người trở thành nhà văn, làm truyền thông thương hiệu, người là chuyên gia ẩm thực, là food blogger, hay trưởng phòng luật... Dù ai cũng đang trên đỉnh thành công nhưng vẫn có một niềm đam mê, một "nghề gây thương nhớ" luôn ở trong tim họ. Ngày 21/6 này, cùng nghe những trải lòng của họ về một "nghề gây thương nhớ"...
Hơn 25 năm trước tôi học lớp 12 trường THPT Chu Văn An tại Hà Nội, tôi tự sáng tác một số ca khúc và gửi dự thi cuộc thi "Tuổi Hoa" của báo Hoa Học Trò. Thật tiếc các ca khúc của Trang Hạ sáng tác đều không đoạt giải gì, mà khi tôi tới tòa soạn số 5 Hòa Mã hỏi kết quả, vào sáng thứ Bảy chỉ có ông bảo vệ ra nói vài câu rất khó chịu. Chính vì tôi ghét ông bảo vệ đó, tôi tự hứa chắc chắn sẽ quay trở lại Hoa Học Trò mà người ta không đuổi được! Tôi bèn gửi thơ, gửi truyện ngắn, truyện cười, bài dịch, đủ mọi thể loại cho tới khi được đăng truyện ngắn.
Sau này tôi may mắn trở thành Bút trưởng của Hội bút Hương Đầu Mùa tập hợp các cây bút viết tốt nhất của những năm 1990 tại miền Bắc và miền Nam. Tôi quay lại tòa soạn rất nhiều lần, coi Hoa Học Trò là ngôi nhà yêu thương thứ hai, sau khi tốt nghiệp ĐH tôi cũng về báo Hoa Học Trò làm biên tập viên. Ông bảo vệ nói vài câu khó nghe là điềm báo của cả cuộc đời tôi: Tất cả những người khiến tôi ghét hoặc ghét tôi đều giúp tôi trở nên thành công, tạo ra cho tôi sức mạnh để vươn tới, đạt những thành quả mới, đánh dấu những mốc son mới trên đường đời. Tôi như con tàu cần sóng và gió mới có thể ra khơi! Hoa Học Trò là hành trình chinh phục đầu tiên của đời tôi.
Trong thời gian từ 1992-2000, có một lần tôi đoạt giải thưởng "Văn học tuổi 20" của báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ. Hồi đó cả miền Bắc chỉ có mỗi tôi đi tàu hỏa vào Sài Gòn nhận giải thưởng. Tôi chưa tròn 20 tuổi và đang học năm thứ ba Đại học. Chuyến đi đó chính là cuộc hội ngộ gặp những cây bút của Hội bút Hương Đầu Mùa miền Nam.
Tôi gặp bạn Nguyễn Lê My Hoàn lần đầu tiên hôm đó. Bạn rủ tôi, ngày mai qua báo L. nhé, có anh phóng viên muốn phỏng vấn hai chúng ta! Bài phỏng vấn đó rất tệ hại, làm cho Hoàn bị đuổi việc, còn tôi thì kinh ngạc sao một người không hiểu biết về lĩnh vực đó có thể làm báo? Vậy thì mình cũng có thể trở thành nhà báo chứ, nếu mình làm báo, mình sẽ làm tốt hơn họ, tử tế hơn họ!
Đấy là lý do từ đó Trang Hạ làm báo suốt 16 năm, làm cho các hãng từ trong nước ra nước ngoài, từ Đài Loan sang Singapore, có thẻ phóng viên quốc tế. Tôi luôn tìm cách thấy động lực để đi tới một tương lai rất khác! Tôi có rất nhiều tương lai để đi tới. Tôi có nhiều dự định, nhiều công việc thú vị. Tôi chưa bao giờ ăn mày quá khứ. Tôi không ngừng học hỏi suốt đời. Tôi vẫn đang học, từ ngoại ngữ, tới các kiến thức chuyên môn, tâm lý xã hội, kỹ năng quản trị v.v…
Tôi hy vọng thay đổi xã hội theo hướng tử tế tốt đẹp hơn bằng chính những thế mạnh truyền thông cộng đồng của bản thân, cũng như những dự án lớn về văn hóa, giáo dục, thể thao, quyền con người tại Việt Nam và khối người Việt tại hải ngoại mà tôi đang làm tư vấn. Tôi muốn hỏi ngược lại, bạn có thèm muốn một tương lai luôn dịch chuyển, sống, và yêu như thế không?
Cảm ơn những tờ báo đã nuôi lớn thế hệ 7X như Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím. Cảm ơn những đồng nghiệp làm báo đầu đời của tôi giờ các anh chị vẫn đang làm báo.
Thời đại luôn thay đổi khiến độc giả cũng thay đổi. Muốn giữ độc giả lứa tuổi mới, làng báo phải thay máu. Hoặc phóng viên phải tự thoát xác, hoặc muốn giữ tâm thế phải tìm nghề mới mà thoát thân. Nhà báo đi dạy học cũng là một nghề. Tôi cũng đang đi dạy học, cho từ VTC tới Vietcombank. Nhà báo đi làm truyền thông doanh nghiệp cũng là một nghề, tôi cũng rời chuyên mục trên Yahoo Việt Nam để đi làm Giám đốc Thương Hiệu cho Công ty Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON. Nhà báo đi làm truyền thông, mở công ty quảng cáo cũng là một nghề. Tôi từng đi tư vấn cho chính khách hàng đầu một quốc gia.
Nhưng có một thứ mạnh hơn nghề nghiệp đó là cam kết tử tế của bản thân mình với đời sống. Chỉ là khi làm báo, chúng ta sẽ bị thách thức sự tử tế nhiều hơn và khốc liệt hơn!
Tôi đến với nghề báo bằng đúng sự mơ mộng của tuổi trẻ. Vốn cực kỳ hâm mộ các anh chị hội bút Hương Đầu Mùa của báo Hoa Học Trò năm xưa, mà tôi lân la trở thành CTV mỹ thuật, rồi dần trở thành hoạ sĩ chính của tờ báo mình yêu. Nhưng có lẽ, công việc gắn bó lâu nhất của tôi với nghề báo lại là biên tập viên, phóng viên.
Tôi yêu nghề báo đến mức "bắn súng hai tay", cả viết bài lẫn vẽ minh hoạ lẫn thiết kế dàn trang, đến đi trực nhà in và lăn lộn hiện trường, rồi xây dựng đội ngũ CTV để truyền đi tình yêu báo chí... Tất thảy có lẽ đều bắt nguồn từ mong muốn khát khao được làm báo, và cũng để "bù đắp" cho lựa chọn theo đuổi mỹ thuật công nghiệp chứ không học báo chí khi đứng trước những cánh cổng đại học đã mở rộng năm xưa.
Tôi không biết đến giờ, thì thực chất tôi đã "đổi nghề" hay chưa, hay chỉ là thay đổi một công việc từng gắn bó. Tôi là người sáng lập và điều hành không gian sáng tạo ẩm thực Esheep Kitchen Studio tại Hà Nội. Công việc của tôi bây giờ, là một food blogger, hàng ngày, những việc tôi làm như nghiên cứu ẩm thực, đi đây đi đó tìm hiểu về văn hoá, về du lịch và ẩm thực rồi chia sẻ với cộng đồng qua mạng xã hội. Nó lại rất gần, rất "vẫn là" những điều mà trước đây tôi đã từng làm khi làm báo.
Nếu nói về định vị nghề nghiệp, có thể là hai nghề khác nhau. Nhưng nếu nói về cốt lõi và xu hướng, có lẽ việc tôi đang làm bây giờ chính là một bước của giai đoạn mới trong tiến bộ báo chí ở thời đại công nghệ 4.0. Lý do tôi "đổi nghề" làm một food blogger có lẽ chính là tôi được theo đuổi đam mê ẩm thực của mình mà vẫn được làm những công việc như một nhà báo.
Dù vậy đôi lúc, tôi thực sự nhớ nghề cũ, nhớ việc làm báo. Chính xác hơn là tôi nhớ đội ngũ đồng nghiệp cũ, những người đã đi cùng tôi suốt chặng dài tuổi trẻ, nhớ toà soạn cũ biết bao vui buồn, nhớ vòng quay công việc trước ngày báo đi nhà in. Mọi thứ thật là một kỉ niệm đẹp gây thương nhớ. Cả thời làm báo với tôi là một trời kỷ niệm! Kỉ niệm tôi không thể quên chính là những lời hồi đáp từ độc giả.
Những độc giả báo Hoa đã sưu tập hàng chồng báo để cắt lại và sưu tập hình minh hoạ của "N-Anh", những em nhỏ cấp 3 đọc báo và ước mong trở thành họa sĩ, hay những độc giả nhiều năm sau, đã trưởng thành rồi, mới thổ lộ họ đã từng làm theo những hướng dẫn nấu ăn trên những trang báo do tôi phụ trách thế nào, khiến tôi nghĩ rằng, nghề báo thật có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
Báo chí, hay "tờ báo" là thứ vừa phải phản ánh thời cuộc nhanh nhất, vừa cần trung thực nhất, vừa cần hướng đến sự tích cực nhất, bởi sức ảnh hưởng của nó, thời nào cũng rất lớn, chỉ có hình thức báo chí, là có lẽ đang thay đổi.
Tôi từng là một phóng viên kinh tế chuyên viết các bài báo phân tích về các vấn đề kinh tế dưới mọi góc nhìn (Tờ Vietnam Economic Times của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam). Đó là công việc tôi vô cùng yêu thích. Công việc cho tôi cái nhìn toàn diện về môi trường kinh doanh, có cơ hội tiếp cận và học hỏi được từ những doanh nhân nổi tiếng và thành đạt, tiếp cận những nhà làm chính sách và quản lý, đặc biệt nó giúp tôi thỏa mãn đam mê được viết lách của mình. Chưa bao giờ tôi thôi biết ơn về quãng thời gian 3 năm ngắn ngủi gắn bó với nghề báo này.
Tôi không nghĩ tới đổi nghề cho tới khi tôi nhận được lời mời và giới thiệu từ chính nhân vật tôi phỏng vấn. Công việc phụ trách pháp lý và quan hệ chính phủ cho Ford Việt Nam khi ấy thực sự thu hút sự tò mò của tôi. Sau Ford tôi cũng từng làm chuyên viên chính sách thương mại cho Đại Sứ Quán Anh tại Hà Nội, trưởng phòng luật cho LG Electronics Việt Nam cho tới khi chuyển qua Ericsson Việt Nam cũng với vị trí trưởng phòng luật và làm ở đó từ 2011 tới nay.
Ngoài công việc chính là luật sư, tôi có một đam mê khác là trồng hoa hồng và sản xuất các mỹ phẩm hoàn toàn không hóa chất từ hoa hồng. Đây là một sự cân bằng tuyệt vời cho nghề luật vốn căng thẳng và hơi thiếu sự mềm mại, nó giúp tôi lấy lại sức lực và tinh thần rất nhanh và đó là lý do mọi người thấy tôi dù bận rộn nhưng lúc nào cũng luôn tràn đầy năng lượng.
Tôi vẫn nhớ và yêu nghề báo. Thi thoảng tôi có tham gia viết bài cho một số báo với tư cách cộng tác viên và luôn tận dụng cơ hội để được viết lách. Những năm làm báo dạy tôi có cái nhìn đa chiều về các vấn đề và luôn nhìn một sự vật hiện tượng bằng cái nhìn góc cạnh. Một sự vật hiện tượng diễn ra luôn khiến mình đặt câu hỏi: nó có gì đặc biệt và suy nghĩ về những điều đó. Nhà báo đi nhiều tiếp xúc nhiều và đòi hỏi phải nói năng trôi chảy nên sự tự tin và khả năng diễn đạt ý của tôi cũng được tôi luyện từ đó.
Công việc hiện tại của tôi viết lách khá nhiều và tôi không thể phủ nhận vai trò bổ trợ của những năm làm báo, vốn luôn yêu cầu phải viết khách quan, khúc chiết, mạch lạc và có dẫn chứng, không quy chụp. Nhiều kĩ năng khác như tìm kiếm và tra cứu thông tin, kiểm chứng thông tin… là kỹ năng tôi kế thừa từ nghề báo.
Tôi là người chịu áp lực giỏi nhưng cũng thấy thực sự nghề này nó quá vất vả, nhất là phấn đấu để trở thành nhà báo chân chính. Giữa trưa nắng lao đi lấy tin rồi chầu chực đợi phỏng vấn, về bóc băng, viết bài… Đó là lý do tôi luôn trân trọng và ngưỡng mộ tất cả các nhà báo.