Tránh 27 điểm vẫn trượt ĐH, thí sinh nên ghi nhớ ngay lời khuyên hữu ích này của chuyên gia

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia, mùa tuyển sinh đại học 2022 thí sinh nên cân nhắc các điều kiện cần và đủ khi đăng ký ngành học, không nên chỉ nhìn vào sức hot của ngành và của trường mà cần nhìn thẳng vào khả năng của mình.

Năm ngoái, rất nhiều sĩ tử đã vô cùng tiếc nuối vì không thi đỗ đại học ngay NV1 và thậm chí trượt hết tất cả nguyện vọng. Một trong những câu chuyện gây "bão" nhất mùa tuyển sinh này là việc có thí sinh đạt tới 27 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Được biết, thí sinh đăng ký tới 9 nguyện vọng nhưng toàn bộ đều là các ngành hot của một số trường hot tại Hà Nội.

Vậy mùa tuyển sinh năm nay thí sinh nên chú ý những gì để tăng cơ hội trúng tuyển ngay từ NV1?

Dự đoán với khối ngành kỹ thuật năm nay, bên cạnh ngành Công nghệ Thông tin thì những ngành như Tự động hóa, Cơ điện tử, Phân tích kinh doanh hay Logistic… là những ngành hot có sức hút lớn với thí sinh.

Năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh kỹ thuật trong quá trình lọc ảo khi xét tuyển. Mặc dù thí sinh đủ điểm và điều kiện đỗ nhiều nguyện vọng, hệ thống vẫn xét theo nguyện vọng từ trên xuống dưới mà học sinh đăng ký trên hệ thống. Vì vậy, việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống rất quan trọng, muốn học ngành nào, thí sinh cần ưu tiên đặt nguyện vọng đó lên đầu.

Với kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh lâu năm, PGS Vũ Duy Hải - Phó trưởng phòng tuyển sinh Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, khi quyết định đóng hay mở bất kỳ ngành đào tạo mới nào, nhà trường cũng đã có sự phân tích, khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu việc làm, nhu cầu lao động, định hướng tương lai cũng như sự phát triển của nghề nghiệp so với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thăm dò ý kiến doanh nghiệp, sinh viên,...

Tất cả các chương trình đào tạo mà trường đại học thông báo tuyển sinh đều đem lại cho người học những cơ hội việc làm nhất định. Ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Vậy nên thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.

“Tôi cho rằng ưu tiên số 1 của thí sinh khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của chính thí sinh và sau đó cần cân nhắc, tính toán dựa trên năng lực của bản thân. Trước khi chọn ngành, thí sinh cũng cần quan tâm đến học phí đào tạo của chương trình đó sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Bởi lẽ, những năm gần đây, cùng với xu hướng tự chủ, học phí của các trường đại học đã tăng lên đáng kể. Những ngành học được coi là “nóng” thường có mức học phí cao hơn những ngành học khác.

Chính vì thế, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4 - 5 năm học, thậm chí là 6 - 9 năm đối với khối Y Dược”, PGS Vũ Duy Hải nói.

Tránh 27 điểm vẫn trượt ĐH, thí sinh nên ghi nhớ ngay lời khuyên hữu ích này của chuyên gia - Ảnh 1.

Lựa chọn ngành nghề cần cân nhắc thêm cả khả năng tài chính của gia đình.

Theo TS Hà Thúc Viên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, khi xã hội phát triển thì thường có một số ngành nghề hoặc lĩnh vực nào đó có nhu cầu cao nhằm đáp ứng sự phát triển theo xu hướng của thời đại và nhiều người hay gọi là ngành hot. Từ việc gia tăng nguồn nhân lực này sẽ thu hút sự quan tâm của thí sinh đến những ngành nghề nhất định khiến một số ngành học trở nên rất hot vào một thời điểm nhất định.

“Cùng một ngành nhưng sẽ có rất nhiều trường đào tạo, chất lượng và chương trình khác nhau, do vậy không phải điểm chuẩn của tất cả các trường cao giống nhau. Nếu các em thật sự muốn theo đuổi những ngành hot thì trước hết phải cân nhắc khả năng của mình để nộp hồ sơ đăng ký vào trường có điểm chuẩn tương đương với năng lực của mình, đừng đi vào những trường top trên vì có thể điểm chuẩn sẽ rất cao và các em sẽ mất cơ hội ngay ở lần xét tuyển NV1”, TS Hà Thúc Viên nói.

Cũng liên quan đến vấn đề đăng ký xét tuyển đại học năm nay, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng lượng thí sinh đổ dồn vào những ngành hot quá nhiều khiến điểm chuẩn tăng, trong khi đầu ra có thể vượt quá nhu cầu của thị trường lao động.

“Do vậy, thí sinh phải tính toán đến nhu cầu của ngành đó trong những năm sau. Các em có thể xem dự báo nguồn nhân lực của thị trường lao động. Ngoài ra việc chọn ngành học còn phải tính toán đến điều kiện kinh tế của gia đình, năng lực và sự phù hợp của mỗi người thay vì chạy theo thị hiếu của thị trường mới là những lựa chọn thực sự sáng suốt”,  thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nói.


Chia sẻ