Tranh cãi dịch vụ “thử lòng chung thủy” chi phí vài trăm đến cả triệu đồng/người

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội không khó để tìm kiếm những dịch vụ kiểm tra lòng chung thủy của người yêu hoặc chồng. Chỉ với một cú nhấp chuột “test người yêu” trên Tiktok, hàng loạt những câu chuyện kịch tính như chỉ có trên phim của hội chị em được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội (MXH) với hàng triệu lượt xem.

Tranh cãi dịch vụ “thử lòng người yêu” nở rộ trên Tiktok, chi phí có khi lên tới cả triệu đồng "chỉ để làm tan nát hạnh phúc và niềm tin?" - Ảnh 1.

Hàng loạt tài khoản MXH được lập nên để làm dịch vụ “test người yêu”. Ảnh: chụp màn hình

Liên hệ với một tài khoản hoạt động dịch vụ này cho biết, chi phí dao động một lần "test" là từ 200.000 - 1.000.000 đồng tùy từng trường hợp cần nhiều thời gian, công sức hay không. Thông thường, các trường hợp cơ bản sẽ có thể hoàn tất trong một đến ba ngày, nhưng sẽ có trường hợp mất hàng tuần đến hàng tháng để có thể tạo sự tin tưởng với đối phương.

Có một ca hy hữu từng rất nổi tiếng trên MXH rằng, người làm dịch vụ này còn phải giúp khách hàng hẹn chồng ra tận khách sạn để đối chất. Để thực hiện được điều đó, người làm công việc này gần như dành gần 2 tháng cho việc tạo tài khoản ảo, trò chuyện phím, tìm hiểu các thông tin về người chồng cùng các khía cạnh công việc để trao đổi như một người hoàn toàn có thật trên đời. Và cũng chính vì điều này đã gây nên không ít sự tranh cãi nhưng đồng thời các video có nội dung về dịch vụ thế này thật sự vô cùng hot trên mạng xã hội với các lượt view từ vài triệu đến chục triệu.

Dùng profile khủng ra sao để “tán ai cũng đổ”?

Theo một tài khoản chuyên test người yêu chia sẻ: “Mình lập tài khoản xong dùng hình ảnh của nhiều người. Rồi cũng tự lập vài tài khoản nữa để giả làm bạn, nói chung làm sao để profile của mình đẹp mắt và đủ thông tin, hoạt động tương tác để tạo sự tin tưởng nhất”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người dùng hình ảnh và tài khoản của chính mình với châm ngôn "người thật việc thật": "Mình dùng tài khoản và hình ảnh của chính mình luôn, sau khi xong việc thì sẽ chặn họ. Có nhiều người sau đó cũng dọa sẽ bóc phốt mình vì tại mình mà người yêu họ đòi chia tay" - một tài khoản chia sẻ.

Tranh cãi dịch vụ “thử lòng người yêu” nở rộ trên Tiktok, chi phí có khi lên tới cả triệu đồng "chỉ để làm tan nát hạnh phúc và niềm tin?" - Ảnh 2.

Bên cạnh hình ảnh bắt mắt thì kỹ năng nói chuyện cũng rất quan trọng để làm công việc tán tỉnh người khác này. (Ảnh: Điệp viên 000)

Tranh cãi dịch vụ “thử lòng người yêu” nở rộ trên Tiktok, chi phí có khi lên tới cả triệu đồng "chỉ để làm tan nát hạnh phúc và niềm tin?" - Ảnh 3.

Một bạn nữ tìm đến dịch vụ để kiểm tra bạn trai là người Hàn. (Ảnh: test.ngiu1)

Ban đầu, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra bằng cách làm quen bình thường rồi được đẩy xa hơn thành tán tỉnh với câu hỏi quan trọng nhất đó là: “Anh đã có người yêu chưa?” và câu trả lời sau đó cũng chính là điều mà khách hàng mong muốn được xác minh nhất để khẳng định mức độ trung thành của nhau.

Thường khi có được câu trả lời này cũng là lúc kết thúc dịch vụ, thanh toán thêm nếu có phát sinh hoặc cũng có người muốn làm cho đến cùng như trường hợp phải tiếp tục "dẫn dụ" người chồng ra tận khách sạn như thể đó là một lần bắt gian tại chỗ.

Tại sao niềm tin lại phải dùng tiền để thử và cố tìm cơ hội để dẫn dụ người khác?

Theo chia sẻ của một số người làm dịch vụ này cho biết, việc thử lòng này đa phần đến từ những chị em vốn dĩ đang có mối quan hệ và gia đình khá êm ấm, hoàn toàn không có bất cứ sóng gió nào để dẫn đến sự nghi ngờ. Nhưng vì tính tò mò, muốn được một lần sử dụng dịch vụ rồi dẫn đến cái kết đau lòng do không thể chấp nhận hoặc cảm thấy "ám ảnh" với những cuộc hội thoại diễn ra trước đó khiến niềm tin về người yêu và người chồng của mình bị lung lay. Đây cũng chính là vấn đề gây tranh cãi về dịch vụ và cả những người vì tính tò mò mà lấy tiền để kiểm tra sự trung thành của người khác.

Chị Thanh Trương (Hà Nội) chia sẻ: "Mình lướt MXH thấy các câu chuyện kiểu này rất nhiều và mình vô cùng khó hiểu từ bao giờ niềm tin của vợ chồng, hay với bất cứ mối quan hệ nào khác lại có thể bị đem ra cho người khác kiểm tra như vậy? Mình hỏi thật là việc chi tiền cho người khác trò chuyện, cố tình dẫn dắt vấn đề cũng là một dạng "gài bẫy" người khác và còn khó hiểu hơn với mấy chị em làm thế để làm gì khi mối quan hệ và gia đình vốn dĩ đang hạnh phúc mà chỉ vì sự tò mò của chính mình thì thấy không đáng một chút nào".

Nhìn vào trào lưu thử lòng người yêu, chị Phạm Thị Huyền (28 tuổi) bày tỏ quan điểm cho rằng đây là một việc làm khá nguy hiểm chưa kể việc này còn có thể làm tổn thương đến chính bản thân mình, gây ám ảnh về mặt tinh thần bởi lúc nào cũng sống trong sự nghi ngờ người khác.