Trong suốt gần 2 thập kỷ qua, việc phát hiện ra bộ hài cốt tí hon bí ẩn tại sa mạc Atacama ở Chile luôn khiến giới khoa học phải đau đầu và lúng túng.
Theo đó, xác ướp tí hon dài 15cm có tên là Ata với hốc mắt to, hộp sọ cao dài, cùng 10 - 12 xương sườn... khiến không ít người cho rằng đây là 1 xác ướp của người ngoài hành tinh.
Nghiên cứu gần đây được công bố vào tháng 3.2018 đăng trên tạp chí Genome Research đã làm sáng tỏ phần nào nguồn gốc bộ xương bí ẩn này.
Giới nghiên cứu đã phân tích gene, xương và kết luận Ata thực chất là 1 bé gái địa phương. Hình dạng bất thường của bộ xương này đến tư một nhóm đột biến gen liên quan đến xương.
Những đột biến này giúp lý giải vì sao Ata có hộp sọ dài, hốc mắt lớn, ít xương sườn - những đặc điểm khơi mào phỏng đoán cho rằng bộ hài cốt là người ngoài hành tinh.
Nhà di truyền học Garry Nolan đến từ ĐH Stanford, người đứng sau việc kiểm nghiệm khoa học Ata cho biết cô bé có lẽ là người Chile. Ông nói: "Tôi muốn biết điều gì có thể gây ra việc này".
Ralph S. Lachman, một chuyên gia về bệnh di truyền xương ở ĐH Stanford đã kiểm tra phim chụp X-quang và kết luận, các triệu chứng của cô bé này không khớp với bất kỳ bệnh nào của y học hiện đại.
Một giả thuyết được đưa ra cho rằng Ata có thể đã mang một đột biến gây ra rối loạn phát triển xương, khiến bộ xương của cô trưởng thành nhanh chóng, ngay cả khi không phát triển đến mức bình thường.
Mặc dù vậy, nghiên cứu đang đối mặt với nhiều câu hỏi hoài nghi về mặt đạo đức cũng như phân tích gene.
Theo chính phủ Chile, xác ướp đã được đưa ra khỏi nước này trái phép và các nghiên cứu không nên được tiến hành.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của ĐH Stanford cũng chỉ ra, Ata sở hữu 10 cặp xương sườn thay vì 12 cặp như bình thường để làm bằng chứng cho kết luận xác ướp bị đột biến gene.
Nhưng 1 nhóm chuyên gia quốc tế lại cho rằng hài cốt thực chất là của một bào thai khoảng 15 tuần tuổi và xương sườn chưa phát triển đầy đủ mà thôi. Và phần "hộp sọ kéo dài" của xác ướp hoàn toàn bình thường đối với một bào thai chào đời sớm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, "Các nghiên cứu tiến hành của giới chuyên gia thuộc trường ĐH Stanford thực hiện chưa phù hợp với tiêu chuẩn xác định tuổi sử dụng kỹ thuật khảo cổ sinh học hay nhi khoa cả.
Chúng tôi cảnh báo các nhà nghiên cứu DNA về việc tham gia vào các trường hợp này là thiếu bối cảnh rõ ràng và hợp pháp.
Nguồn: ScienceNews, Dailymail