Với bất kì người phụ nữ nào thì quãng thời gian mang bầu và sau sinh có lẽ là quãng thời gian vất vả và căng thẳng nhất. Mang nặng con 9 tháng 10 ngày trong bụng rồi vượt cạn đau đớn, mất sức, trầm cảm sau sinh... Lúc này, người phụ nữ cần nhất đó là sự quan tâm, yêu thương của các thành viên trong gia đình. 

Người nào may mắn được chăm sóc chu đáo thì cảm thấy được an ủi phần nào, còn không thì lại "hận đời, hận người" đối xử hờ hững, thờ ơ với mình.

Như trường hợp của cô nàng H.H., vì quá tủi hờn, không thể nuốt trôi miếng cơm ở cữ do mẹ chồng nấu, lại chẳng biết giãi bày cùng ai, cô đành tâm sự cùng hội chị em mong vơi bớt nỗi lòng.

Trào nước mắt với bữa cơm ở cữ mẹ chồng nấu cho con dâu, vỏn vẹn 1 bát cơm trắng với vài 3 miếng thịt - Ảnh 1.

Bữa cơm ở cữ của bà mẹ trẻ được mẹ chồng nấu cho khiến chị em đau xót.

Nhìn bữa cơm ở cữ mà mẹ chồng nấu cho sau 5 ngày mổ đẻ, bữa thì chỉ có cơm với vài 3 miếng thịt, bữa thì được một nhúm trứng, bát canh với cơm trắng mà H.H. chỉ muốn khóc.

Cô nói rằng: "Cả đời này sẽ không bao giờ quên những ngày nằm cữ mẹ chồng đối xử như thế này với mình". Một câu nói này thôi nhưng đã đủ hiểu hết, trong lòng H.H. đang cảm thấy đau buồn và uất hận tới mức nào.

Nghe tâm sự của H.H., các chị em hầu hết đều tỏ ra đồng cảm và xót thương vô cùng: "Em mà ăn 2 bữa như thế này thì em ngất", "Thương chị quá! Vậy thì làm sao mà có sữa?", "Nhìn mà xót xa cảnh làm dâu",…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số chị em cho rằng, đừng nên đòi hỏi quá nhiều, mẹ chồng nấu cho ăn như vậy đã phải cảm ơn rồi.

C. Thu đồng cảnh tâm sự, bản thân mình còn trải qua những ngày cơ cực hơn thế, không được mẹ chồng phục vụ ngày nào. Cô cho hay, đẻ xong, 6 ngày ở viện về, cô đã phải tự nấu cơm, giặt tã cho con. "Chồng mình đi làm cả ngày không giúp được gì, luôn phải tranh thủ lúc con ngủ để làm mọi việc. Mẹ chồng thì đi chơi, buôn dưa lê bán dưa chuột. Mẹ đẻ thì cách 20km".

Cỏ Thu khuyên bà mẹ trẻ H.H. hãy lạc quan lên và phải tự yêu lấy bản thân mình, đừng trông chờ vào người khác.

Trào nước mắt với bữa cơm ở cữ mẹ chồng nấu cho con dâu, vỏn vẹn 1 bát cơm trắng với vài 3 miếng thịt - Ảnh 2.

Bữa "đầy đủ" hơn sau đó của H.H, có thêm một bát canh rau lõng bõng...

H.H. kể thêm: "Mình đẻ đúng ngày gặt, bố mẹ chồng nấu cơm cho ăn cũng ráng mà ăn, cũng cơm với thịt rang vậy thôi, canh rau ngót không chín cũng cố uống tí nước. Bố chồng chửi đủ kiểu, chan cơm với nước mắt là bình thường.

Con tự chăm, tự lo, chồng đi lái xe đêm về mệt ngủ cũng 2 mẹ con chăm nhau. Ông bà đi gặt cả ngày mệt nên mình cũng không dám nhờ ngủ cùng, mẹ đẻ mình thì ở xa xuống được ngày nào hay ngày ấy".

Cũng đã từng sinh con và ở cữ cùng mẹ chồng, theo Nguyễn Yến, bữa cơm ở cữ mà mẹ chồng của H.H. nấu cho ăn là "bình thường", không đến nỗi quá đạm bạc và đến mức phải "hận thù" mẹ chồng.Theo Nguyễn Yến, có thể việc mẹ chồng nấu ăn kiểu đó là vì muốn kiêng cho H.H. Còn nếu không phải vậy thì cô khuyên H.H. nên tâm sự với chồng, qua 1 tháng xin về mẹ đẻ cho bố mẹ chồng đỡ vất vả. "Phận làm con mình sống sao cho phải đạo, mình sống tốt mọi người biết hết mà", Nguyễn Yến động viên H.H.

Còn chuyện có đủ sữa cho con bú hay không thì theo Nguyễn Yến, bà mẹ trẻ H.H. phải chủ động. Như Nguyễn Yến, để có đủ sữa cho con ti thì nhiều hôm cô tự kiếm thêm gì đó để ăn.

"Vậy nên, sướng hay khổ là do suy nghĩ của mỗi người, suy nghĩ tích cực lên thì thấy thoải mái và bình thường. Vẫn biết đẻ xong mệt mỏi và hay suy nghĩ, nhưng nếu mẹ nó cứ suy nghĩ tiêu cực thì càng khổ hơn", Nguyễn Yến trải lòng.

Trào nước mắt với bữa cơm ở cữ mẹ chồng nấu cho con dâu, vỏn vẹn 1 bát cơm trắng với vài 3 miếng thịt - Ảnh 3.

Một gái đẻ khác cũng khoe bữa cơm ở cữ với 3 món đơn giản: Cơm trắng, thịt kho nghệ và canh rau ngót.

Một số bà mẹ khác cũng cho rằng, H.H. đang trách nhầm mẹ chồng vì "gái đẻ ăn như thế này là tốt cho đường ruột của cả mẹ và con. "Cứ như thời hiện đại bây giờ, chả kiêng cái gì, ăn gì chả được nhưng sau này có tuổi mới biết thế nào là "ăn cái gì cũng được, ăn phải đầy đủ chất"", Hue Giang nói.

Bênh vực mẹ chồng của H.H. Phương Nguyên lên tiếng.: "Thực ra thì cụ sắp cho bạn mâm cơm như bạn chụp là cụ cũng chu đáo đấy. Chỉ là các cụ ngày xưa ăn khổ nên không thể mua đầy đủ cho bạn món nọ món kia tẩm bổ. Bạn hãy mở lòng ra nhờ mẹ. Mẹ mua hộ con cái này cái kia con ăn lấy sức cho cháu bú, giờ bác sĩ khuyên không kiêng nhiều đâu ạ. Cần thiết thì gửi tiền bà đi chợ. Vì ăn cũng tốn kém mà. Nếu bà khó chịu thì bạn hãy nhờ người khác".

Sống ở 2 thế hệ khác nhau, suy nghĩ đã khác nhau, lại còn là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì càng khó ở. Ngày xưa, thời các cụ, bà đẻ phải kiêng cữ rất cẩn thận như kiêng tắm gội, kiêng ăn uống thoải mái…, còn ngày nay thì quan điểm kiêng cữ sau sinh đã tân tiến hơn nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều đó, nhất là với thế hệ các bà, các mẹ. Vì vậy, việc nàng dâu khéo léo nói chuyện, tâm sự với mẹ chồng, thậm chí cả mẹ đẻ của mình khi xảy ra bất đồng về cách sinh hoạt và chăm sóc sau sinh là điều cần thiết để tránh những mâu thuẫn không đáng có xảy ra.