Con tôi 7 tuổi nặng 50 kg. Tôi lo lắng con béo phì sau này dễ mắc nhiều bệnh. Vậy cụ thể trẻ béo phì dễ gặp hậu quả gì về sức khỏe khi trưởng thành?
Vũ Hạnh (Đà Nẵng)
Béo phì là một bệnh phức tạp. Trẻ được xem là béo phì khi cân nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Đa số trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng, tức năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao, nhất là năng lượng từ chất béo, tuy nhiên ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ.
Trong trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập.
Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tăng cholesterol dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp...Vì vậy, với trẻ thừa cân béo phì thì nên đưa đi khám để được tư vấn các biện pháp dinh dưỡng và tập luyện để cháu giảm cân tốt nhất.