Trẻ bị bố mẹ bạo hành: Khi con cái trở thành nạn nhân của những cha mẹ bất lực và bất hạnh
“Các bậc cha mẹ là những người cuối cùng ở trên trái đất này nên có con” – câu nói này cứ dội đi dội lại trong tâm trí tôi suốt những ngày qua, khi liên tiếp những vụ cha bạo hành, đánh đập con bị phanh phui trên mặt báo.
Chỉ ít ngày sau khi cậu bé 10 tuổi Trần G.K trốn thoát khỏi nhà bố đẻ và mẹ kế sau 2 năm bị đánh đập và đối xử dã man, một người mẹ ở Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng gửi đơn tới các cơ quan chức năng để tố cáo chồng mình đánh đập dã man, để lại nhiều thương tích trên cơ thể con trai 10 tuổi.
Trong cuốn sách "Nuôi dạy con kiểu cá heo" nổi tiếng của mình, tác giả, bác sĩ Shimi Kang khi nói về việc nuôi dạy con ở thế kỷ 21 và sự điên rồ của con người có viết rằng: "Đôi khi tôi cảm thấy muốn xăm câu nói của Samuel Butler lên trán "Các bậc cha mẹ là những người cuối cùng ở trên trái đất này nên có con". Nhưng tốt hơn là tôi nên xăm nó vào lòng bàn tay mình để có thể luôn nhìn thấy câu nói đó, bởi vì Tôi cũng là một người trong số họ".
Những thương tích do bị bố đánh trên cơ thể bé Ng., 10 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Giống như bố bé Trần G.K, bố bé Ng. cũng khai nhận đánh con để... dạy con.
Với kinh nghiệm của một người đã giúp đỡ cho hàng trăm trẻ em, trẻ vị thành niên, và các bậc phụ huynh hướng tới những hành vi tích cực và cải thiện sức khỏe tâm thần, tác giả Shimi Kang chia sẻ: "Điều làm tôi ngạc nhiên đó là từ tất cả những sự tiếp xúc với nhiều người ở các đất nước và các nền văn hóa khác nhau – từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi, từ người vô gia cư đến những ngôi sao nổi tiếng – tôi không thấy nhóm người nào bộc lộ sự điên rồ và hành động thiếu suy xét của con người nhiều như những bậc phụ huynh ở thế kỷ 21".
Đó không chỉ là một thực tế u ám về việc làm cha mẹ của những phụ huynh ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc hay Châu Âu… đó cũng là sự thật về chính chúng ta – những phụ huynh vật lộn mỗi ngày để cân bằng giữa công việc và cuộc sống và chất chứa trong người đầy những lo âu, căng thẳng, mâu thuẫn và trầm cảm để tồn tại và bắt kịp với nhịp sống hiện đại hối hả và gấp gáp. Điều đó khiến chúng ta làm hàng loạt những điều điên rồ hàng ngày, như là ôm điện thoại khư khư khi con đang ở ngay bên cạnh, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy, vừa lái xe chở con đi học vừa nghe điện thoại, đăng ký cho con hàng loạt các lớp học thêm (và phát điên lên vì phải đưa chúng đi học), đặt cho con những mục tiêu nhằm thỏa mãn khát khao của chúng ta: 2 tuổi phải bắt đầu học tiếng Anh, 3 tuổi phải biết làm toán nhẩm siêu nhanh, 4 tuổi phải vẽ được tranh sơn dầu, 5 tuổi phải có chứng chỉ piano quốc tế, 6 tuổi trở thành kiện tướng cờ vua cấp trường… và chúng ta quát mắng, so sánh, đay nghiến, đánh đòn con cái của mình khi chúng không thỏa mãn sự kỳ vọng của bố mẹ. Khi bố mẹ bất lực, họ thường dùng bạo lực với con để bình tĩnh lại!
Bạn có thể nhìn thấy rất rõ điều này trong những vụ cha/mẹ bạo hành, đánh đập con cái. Khi ông bố của cậu bé 10 tuổi ở Đông Anh khai nhận hành vi đánh con, anh ta nói: "Thường xuyên có người đi qua đây tố cáo con tôi đánh con họ, thậm chí còn chấn lột tiền của các bạn. Tức quá, tôi liền lôi con vào để dạy. Tôi biết bạo hành con là không đúng nhưng vì thực sự khi đó tôi giận quá nên không kiềm chế được mình". Sau tất cả, người cha cho rằng chỉ vì cuộc hôn nhân không trọn vẹn đã khiến các con của anh lâm vào hoàn cảnh này. Cậu con trai trở thành nạn nhân của một người cha không hạnh phúc, muốn chứng minh rằng "con ở với bố thì ngoan hơn ở với mẹ" bằng những trận đòn nhớ đời lên cơ thể con mình.
Hay như bố của bé trai Trần G.K, anh ta cũng đánh con để "dạy con" vì cháu quá nghịch ngợm, vì đã nhắc nhở nhiều lần mà con không nghe lời, vẫn chứng nào tật nấy. Cậu bé 10 tuổi suốt 2 năm ròng trở thành nơi trút giận của một người cha bất lực hơn là một người cha vô nhân tính như lời kết tội của dư luận.
Tôi thực sự xót xa, không thể cầm được nước mắt khi những đứa trẻ còn chưa qua tuổi ăn tuổi ngủ, chưa hết hoảng loạn và sợ hãi phải ngồi trước máy ghi âm, điện thoại, máy ghi hình của phóng viên để kể lại những trận đòn xé da xé thịt trút xuống từ chính tay bố đẻ.
Liệu hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa, sẽ có thêm bao nhiêu em bé trốn thoát; bao nhiêu người cha, người mẹ và những người lớn không im lặng đủ can đảm để lên tiếng, đưa những vụ bạo hành trẻ em ra ánh sáng?
Liệu mỗi chúng ta có chắc rằng chúng ta đang nuôi dạy con bằng một tình yêu không bạo lực về thể chất hoặc tinh thần?
Khi mà chúng ta vẫn cứ mải miết với guồng quay hối hả của cuộc sống này, khi mà chúng ta vẫn cứ vật lộn hàng ngày để xử lý những căng thẳng và lo âu của mình, khi mà chúng ta chính là tấm gương mà các con sẽ soi chiếu vào để lớn lên, để quyết định mình sẽ trở thành một người lớn như thế nào?