1. Triệu chứng gợi ý trẻ bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn hoặc siêu vi
- Nếu trẻ có sốt cao trên 40 độ C, đau bụng, phân có máu, có biểu hiện thần kinh thì gợi ý tác nhân vi khuẩn.
- Nếu trẻ có nôn nhiều, có biểu hiện viêm hô hấp kèm theo thì gợi ý là do virus.
2. Có cần xét nghiệm không?
Xét nghiệm để xác định tác nhân gây tiêu chảy cấp do siêu vi hay vi khuẩn phụ thuộc vào tình trạng của bé.
- Nếu tổng trạng sức khỏe của bé ổn, không có biểu hiện gợi ý tiêu chảy cấp do vi khuẩn, các xét nghiệm không được khuyến cáo thường quy.
- Các xét nghiệm vi sinh nên được thực hiện để xác định tác nhân gây bệnh trên một số trẻ có bệnh lý nền mạn tính, tổng trạng xấu hoặc triệu chứng tiêu chảy kéo dài.
3. Lời khuyên khi dùng thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ
- Bổ sung kẽm:
Với các nước nghèo và đang phát triển, việc bổ sung kẽm trong tiêu chảy cấp có lợi cho phần đông dân số. Ở các nước phát triển - nơi mà tỉ lệ thiếu kẽm hiếm thì bổ sung kẽm cũng không thêm lợi ích gì. Bổ sung kẽm có thể gia tăng tần suất nôn mửa và những khó chịu ở dạ dày.
- Thuốc chống nôn:
Một liều đơn thuốc odansetron đường tiêm hay uống có lợi cho chứng nôn, làm giảm nguy cơ mất nước, tăng khả năng dung nạp nước đường uống.
Không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các thuốc chống nôn khác như: Domperidone (motilium), metochlopramide (primperan)… trong điều trị nôn ở trẻ bị tiêu chảy.
- Các thuốc hấp phụ:
+ Thuốc diosmectite có thể cân nhắc trong điều trị AGE (viêm dạ dày ruột cấp gây tiêu chảy). Các thuốc hấp phụ khác như kaolin-pectin, attapulgite không được khuyến cáo.
+ Thuốc bismuth subsalicylate: Không khuyến cáo trong điều trị tiêu chảy trẻ em.
+ Thuốc racedotril: Có thể cân nhắc trong điều trị tiêu chảy cấp trẻ em.
+ Oresol: Các oresol thông thường hoặc oresol cải tiến bổ sung hương vị nhằm mục đích giúp trẻ dễ tiếp nhận hơn đều có hiệu quả như nhau. Bổ sung theo hướng dẫn pha chuẩn.
+ Men vi sinh được rất nhiều phụ huynh ưa sử dụng, nhưng chúng không chứng minh được hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp trẻ em.
Cần lưu ý, việc dùng thuốc cho trẻ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, hoặc tham khảo tư vấn từ chuyên gia, cha mẹ không nên tùy tiện sử dụng.
- Sữa không lactose:
Rất nhiều trẻ bị tiêu chảy cấp được khuyên dùng sữa không lactose. Tuy nhiên sữa này không khuyến cáo thường quy cho trẻ bị tiêu chảy cấp điều trị ngoại trú. Một số trẻ sẽ không thích uống sữa này và sẽ không uống sữa, như vậy sẽ làm tình trạng thiếu dinh dưỡng trong khi tiêu chảy tăng lên.
Một số gia đình cũng thường 'xui nhau' pha loãng sữa, nhưng trong các nghiên cứu không đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo ủng hộ hay chống lại việc pha loãng sữa trong điều trị tiêu chảy cấp. Vì thế, tùy từng trường hợp cụ thể mà cha mẹ có thể pha loãng hoặc vẫn pha sữa theo đúng tiêu chuẩn cho bé uống.